3 tuyệt chiêu trả lời câu hỏi điểm yếu trong vòng phỏng vấn

“Điểm yếu của bạn là gì?” là câu hỏi được rất nhiều nhà tuyển dụng dùng để kết thúc vòng phỏng vấn. Câu hỏi này chính là át chủ bài và vai trò của nó ảnh hưởng lớn đến quyết định bạn có được tuyển hay không. Phần lớn các bạn ứng viên khi gặp phải câu hỏi này đều trở nên bối rối, không biết nên trả lời sao cho hợp lý. Đừng vội lo lắng, chỉ cần nắm vững 3 “tuyệt chiêu” sau, bạn chắc chắn sẽ trở nên tự tin khi phải trả lời câu hỏi điểm yếu. Đồng thời cơ hội được tuyển dụng cũng sẽ tăng lên đáng kể.

Phân loại điểm yếu 

Điểm yếu có thể chia thành hai dạng dựa trên kỹ năng mềm và kỹ năng cứng: 

  • Kỹ năng cứng: Bao gồm tất cả mọi thứ bạn được dạy, thường là qua trường lớp hoặc các môi trường giáo dục khác. Ví dụ như cách sử dụng phép tính cộng trừ trong toán học, cách viết một đoạn văn,…Nếu bất cứ thiếu sót nào trong kỹ năng cứng, bạn chỉ nên chọn những điểm không liên quan đến công việc để trả lời với nhà tuyển dụng.
  • Kỹ năng mềm: Hay còn gọi là kỹ năng thực hành xã hội. Bạn có thể bẩm sinh đã có hoặc có dựa vào kinh nghiệm và luyện tập trong suốt quá trình trưởng thành. Ví dụ như giao tiếp, thuyết trình, lãnh đạo hay làm việc nhóm. 

Lưu ý: Bất kỳ công việc nào mà bạn ứng tuyển đều sẽ yêu cầu có cả hai kỹ năng trên. Tuy nhiên,  đối với câu hỏi “Điểm yếu của bạn là gì?” bạn chỉ nên trả lời các điểm yếu thiên về kỹ năng cứng vì những điểm này có thể cải thiện nhanh chóng bằng học hỏi và luyện tập nhiều.

Khi trả lời câu hỏi điểm yếu nên có 2 vế 

Vế thứ nhất, hãy thành thật về nhược điểm mà bạn có. 

Vế thứ hai, đi sâu hơn để phân tích vế thứ nhất. Kể cho nhà tuyển dụng nghe bạn đã làm cách nào để thay đổi hoặc vượt qua nó.

Giả sử bạn ứng tuyển cho vị trí nhân viên bán hàng tại một công ty nọ. Tuy vậy, đây là công việc bạn chưa từng làm bao giờ nên bạn không có chút kinh nghiệm chuyên môn nào. Hãy tham khảo ví dụ sau (được chia rõ hai vế giúp bạn dễ hình dung):

Ví dụ 1:

Vế thứ nhất Dù biết đây là lần đầu thử ứng tuyển cho vị trí nhân viên bán hàng, và trong tay không hề có kinh nghiệm làm việc tại vị trí này trước kia. Đối với em đây là một bất lợi. 
Vế thứ hai Tuy nhiên, biến bất lợi đó thành cơ hội để trải nghiệm một công việc mình chưa làm bao giờ là một thử thách vô cùng thú vị đối với em. Bản thân em rất thích học hỏi và khám phá. Đồng thời em còn quan niệm sự học không bao giờ có điểm dừng, do vậy đặt ra thử thách cho bản thân và tiếp tục học hỏi là việc nên làm. 

 

Ví dụ 2:

Vế thứ nhất Em sở hữu tính cách hướng nội. Từ bé em đã có xu hướng thích làm việc một mình hoặc chỉ làm việc với những người em có đủ tin tưởng. Đồng thời em cũng dễ bị chi phối bởi môi trường ồn ào nên rất thích phòng làm việc yên tĩnh. Khi lớn lên em nhận ra đó chính là rào cản khá lớn với bản thân. 
Vế thứ hai Thông thường em sẽ tự đi tìm cách để giải quyết vấn đề triệt để, hoàn thành nhiệm vụ đúng hạn nhất. Đặt những câu hỏi chỉ khi cần thiết. Tuy vậy, sau khi có kinh nghiệm đi làm một thời gian, bản thân em đã trở nên hòa nhập hơn. Bắt đầu cố gắng trò chuyện và làm quen với đồng nghiệp. Mối quan hệ giữa em và các đồng nghiệp cũ cũng rất tốt.

Những câu trả lời như trên sẽ “ghi điểm” với nhà tuyển dụng. Đầu tiên là vì bạn thể hiện cho họ thấy sự trân thành, thứ hai là chứng minh bạn có nỗ lực cố gắng để thay đổi và hoàn thiện bản thân. 

Biến điểm yếu thành điểm mạnh

Dựa trên những ví dụ trên, bạn có thể khai thác những yếu điểm của bản thân và biến nó thành thế mạnh. Đối với những công việc thời gian linh động, buộc nhân viên phải có mặt bất cứ khi nào công ty cần. Bạn có thể sử dụng ví dụ sau để trả lời.

Vế thứ nhất Điểm yếu của em chính là rất khó để dừng việc sử dụng hoặc tìm hiểu những thứ liên quan đến công nghệ. Trên tay lúc nào cũng sẽ có điện thoại để dễ dàng theo dõi công việc, trả lời email đối tác, hoặc đơn giản chỉ là cập nhật các thông tin mới trong chuyên môn. 
Vế thứ hai Tuy nhiên em cũng đã cố gắng hạn chế thời gian sử dụng công nghệ trong ngày của mình và dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, bản thân và bạn bè. Thay vì sử dụng máy đọc sách, em cũng đã dần chuyển qua báo hoặc sách. Nhưng có lẽ thói quen luôn mang điện thoại theo bên mình sẽ phải tiếp tục duy trì vì bản thân là một người yêu công việc. 

Lưu ý: Cuối cùng khi phải trả lời câu hỏi điểm yếu của bản thân, hãy chắc chắn câu trả là một nhược điểm bạn đã vượt qua nhé. Hạn chế sử dụng những nhược điểm thuộc một phần tính cách của bản thân hoặc những điểm khó khắc phục.

Tóm lại, dù bạn trả lời câu hỏi điểm yếu loại nào đi chăng nữa, hãy nhớ phải ứng xử thật khéo léo để không ảnh hưởng đến bản thân và công việc trong tương lai. Nếu không chắc chắn câu trả lời của mình của mình có phù hợp hay không, trước ngày phỏng vấn bạn nên lập danh sách và tập dợt trước với bạn bè hoặc người thân để tăng khả năng thành công.

Xem thêm: 68 Gạch đầu dòng: Giúp bạn chuẩn bị từ A – Z cho cuộc phỏng vấn

Nên nhớ, vòng phỏng vấn đôi khi khá áp lực vì bạn phải thể hiện bản thân sao cho chuyên nghiệp, nhưng nó cũng chính là cơ hội duy nhất để nhà tuyển dụng nhìn ra được tài năng, sự sáng tạo tiềm ẩn trong bạn. Hãy thành thật nhưng luôn phải giữ tinh thần tự tin và biết mình muốn gì. Chúc bạn thành công trong lần phỏng vấn sắp tới nhé!

JobHopin Team