Cách tiếp cận bản năng của bạn khi xem xét một quyết định là gì?
Nếu bạn lạc quan bẩm sinh, thì rất có thể không phải lúc nào bạn cũng cân nhắc đến những mặt trái tiềm ẩn của vấn đề. Tương tự, nếu bạn thận trọng hoặc không thích chơi trò may rủi, bạn có thể không dám trải nghiệm các cơ hội tiềm ẩn mang đến lợi ích lớn cho bản thân. Và thông thường, để đưa ra một quyết định đúng đắn nhất, bạn cần phải thay đổi cách bạn suy nghĩ về vấn đề và dành thời gian xem xét chúng từ nhiều góc độ khác nhau.
Được Edward de Bono – thiên tài “tư duy quái kiệt” Anh quốc – phát triển và phát hành thành sách, “6 chiếc mũ tư duy” với những màu sắc, chức năng, cách tiếp cận vấn đề khác nhau sẽ giúp bạn có được cái nhìn vấn đề tổng quan để đưa ra quyết định đúng đắn. Cùng tìm hiểu ngay nhé!
Giới thiệu về phương pháp “6 chiếc mũ tư duy”
Những cuộc họp hay gặp mặt của bạn có đạt được hiệu quả như mong muốn, được tổ chức một cách hiệu quả? Hay chỉ đến gặp nhau cho đủ quân số, liệt kê các đầu việc rồi đi về?
Có rất nhiều cách giúp bạn cải thiện chất lượng của những buổi teamwork như vậy, và 6 chiếc mũ tư duy chính là xu hướng giải quyết công việc, những công cụ đắc lực giúp bạn xóa tan “nỗi khổ” xem xét quyết định khi làm việc nhóm ấy.
Mỗi chiếc mũ đại diện cho một cách tiếp cận khác nhau. Các thành viên lần lượt đội chiếc lên và thể hiện suy nghĩ bản thân. Có tổng cộng sáu chiếc mũ với sáu màu khác nhau: trắng, đỏ, vàng, đen, xanh lá cây và xanh da trời với những ý nghĩa khác nhau.
- Mũ trắng: Tượng trưng cho những dữ liệu, số liệu chính xác, các thông tin mang tính khách quan. Với chiếc mũ tư duy này, bạn tập trung vào dữ liệu có sẵn, xem xét thông tin bạn có, phân tích các kết quả trong quá khứ và những điều rút ra từ chúng. Chiếc mũ trắng còn giúp chúng ta giữ vai trò trung lập. Nó miêu tả những gì đang diễn ra xung quanh vấn đề đang cần bàn bạc, hay nói cách khác, chiếc mũ trắng nêu ra những vấn đề cần giải quyết và trình bày phương pháp cần thiết để xử lý chúng.
- Mũ đỏ: Là chiếc mũ biểu tượng cho ngọn lửa của cảm xúc và cảm giác. Trong công việc và giải quyết vấn đề, chúng ta không được phép để cho cảm xúc chen vào, nhưng nó vẫn ở đó. Chiếc mũ đỏ cho chúng ta cơ hội để thoải mái bộc lộ những dự cảm và linh cảm. Ví dụ như, hãy nghĩ xem người khác sẽ phản ứng như thế nào khi đối diện với quyết định của bạn. Liệu họ có dễ dàng chấp nhận, hay là phản bác gay gắt lại ngay?
- Mũ đen: Mang hình ảnh của đêm tối, đất bùn, đây là chiếc mũ được sử dụng nhiều nhất. Chính vì vậy tác giả và những người từng sử dụng phương pháp này đều thống nhất đây là chiếc mũ quan trọng nhất. Khi đội chiếc mũ đen, chúng ta đang khép mình vào thế cảnh giác và thận trọng. Nó phát ra tín hiệu cảnh báo những mặt yếu kém, bất lợi của một vấn đề, và chúng ta, những người đang đối mặt với vấn đề cần phải cẩn trọng. Dựa trên tư duy phê phán này, bạn sẽ hạn chế được tối đa sai lầm khi xem xét quyết định.
- Mũ vàng: Đối lập hoàn toàn với chiếc mũ đen, màu vàng tượng trưng cho ánh sáng của mặt trời, mang lại sự tích cực và lạc quan. Chiếc mũ vàng giúp ta nhận định được những giá trị đẹp đẽ, lợi ích của vấn đề, từ đó có thêm động lực phát triển.
- Mũ xanh lá cây: Mũ xanh lá tượng trưng cho sự sáng tạo. Đây là nơi bạn phát triển các giải pháp sáng tạo cho một vấn đề. Đó là một lối suy nghĩ tự do, trong đó có rất ít sự chỉ trích về ý tưởng. (Bạn có thể khám phá một loạt các công cụ sáng tạo để giúp bạn.)
- Mũ xanh dương: mũ này đại diện cho việc kiểm soát quá trình. Ví dụ, đó là chiếc mũ được đội bởi những người chủ trì cuộc họp. Khi gặp khó khăn vì các ý tưởng đang cạn kiệt, họ có thể hướng hoạt động vào tư duy Mũ xanh. Khi cần đến các kế hoạch dự phòng, họ sẽ yêu cầu Mũ đen suy nghĩ.
Vậy, khi đã nắm rõ lý thuyết, chúng ta hãy thử đi vào phần thực hành 6 chiếc mũ tư duy trong quá trình xem xét quyết định nhé!
Xem thêm: Quản lý thời gian: Bí quyết tận dụng tối đa khoảng thời gian quý báu trong ngày
Các bước tiến hành 6 chiếc mũ tư duy khi xem xét quyết định
Nguyên tắc khi áp dụng 6 chiếc mũ tư duy
Hãy lần lượt đội 6 chiếc mũ để đánh giá vấn đề. Mỗi lần đội mũ tức là người đội sẽ chuyển sang một cách tư duy mới, trùng với màu chiếc mũ. Bên cạnh đó, phải đảm bảo rằng trong một cuộc họp, mọi người đều được trải nghiệm đủ 6 chiếc mũ, 6 cách tư duy.
5 Bước tiến hành
Bước 1 (Mũ trắng): Tất cả các ý kiến đóng góp vào chỉ chứa sự thật, bằng chứng hay dữ kiện, thông tin. Đội mũ này tức là: “Hãy cởi bỏ mọi thành kiến, mọi tranh cãi, cởi bỏ mọi dự định và hãy tập trung nhìn vào cơ sở dữ liệu”.
Bước 2 (Mũ xanh lá cây): Tạo ra các ý kiến làm sao để giải quyết. Các sáng tạo, các cách thức khác nhau, các kế hoạch, các sự thay đổi.
Bước 3: Đánh giá các ý kiến
- Dùng mũ xanh lá cây để đánh giá các giá trị của các ý kiến đã đưa ra.
- Dùng mũ vàng để viết ra danh mục các lợi ích đạt được: Tại sao vài ý kiến sẽ chạy tốt và tại sao nó mang lại lợi ích?
- Đội mũ đen để viết các đánh giá và các lưu ý.
- Mũ đen là mũ có giá trị nhất. Nó có tác dụng để chỉ ra tại sao các đề nghị hay ý kiến không thích hợp (hay không hoạt động được) cùng với các dữ kiện, với kinh nghiệm sẵn có, với hệ thống đang hoạt động, hoặc với chế độ đang được theo. Mũ đen là khi ta tính đến sự hợp lý.
Bước 4 (Mũ đỏ): Viết ra hoặc bày tỏ các phản ứng, trực giác tự nhiên và các cảm giác. Mũ đỏ cho phép người suy nghĩ đặt xuống các trực cảm mà không cần bào chữa.
Bước 5 (Mũ xanh da trời): Tổng kết và kết thúc buổi làm việc. Mũ xanh da trời là sự nhìn lại các bước trên hoặc là quá trình điều khiển. Nó sẽ không nhìn đến đối tượng mà là nghĩ về đối tượng (thí dụ như ý kiến “đội cho tôi cái mũ xanh lá cây, tôi cảm giác rằng có thể làm được nhiều hơn về cái mũ xanh này”).
Lưu ý: các bước trên không hoàn toàn nhất thiết phải theo đúng thứ tự như nêu trên mà có thể thay đổi linh hoạt tùy vào từng trường hợp.
Ưu và nhược điểm của phương pháp tư duy 6 chiếc mũ
Ưu điểm
- Đơn giản hóa lối tư duy, mọi người chỉ xem xét một khía cạnh tại một thời điểm, nhờ đó hướng đưa tư duy của mọi người cùng hướng về một phía, tránh sự tranh cãi và hao phí sức lực của nhau.
- Đem lại hiệu quả to lớn khi không chỉ tìm được cách giải quyết vấn đề hiệu quả nhất trong một thời gian ngắn, mà còn không ảnh hưởng đến cái tôi của mỗi người.
Nhược điểm
- Trong một số trường hợp, điều hành cuộc họp theo phương pháp 6 chiếc mũ tư duy có thể gây ra gượng gạo.
- Đòi hỏi tính toán thời gian chính xác để không bị kéo dài thời gian thảo luận.
- Chỉ phù hợp với trường hợp cần giải quyết vấn đề hệ trọng, cần tham khảo ý kiến của nhiều người. Những cuộc họp ngắn, không có nhiều thời gian cần xem xét phương pháp này có thật sự phù hợp hay không.
Xem thêm: Quy trình PDCA: Quản lý chất lượng hiệu quả
6 chiếc mũ tư duy là một phương pháp giúp chúng ta tư duy hiệu quả hơn, là công cụ để giải quyết vấn đề trong công việc và cuộc sống nhanh chóng nhờ sự tập trung của trí thông minh, kinh nghiệm và kiến thức. Hãy thử thực hành ngay phương pháp này bạn nhé! Bên cạnh đó, hãy thường xuyên theo dõi và cập nhật những bài viết tiếp theo của JobHopin để trang bị kiến thức trên con đường sự nghiệp của bạn!
JobHopin Team
Báo chí nói gì về JobHopin?
- Kevin Tùng Nguyễn – Under 30 Forbes châu Á 2019: Chuyên gia về tối ưu hóa nguồn lực và các mối quan hệ, gọi hơn 3 triệu USD chỉ sau 3 năm startup
- Từ chuyện JobHopin từ bỏ nhóm lao động “cổ xanh” đến sai lầm của hầu hết startup Việt khi muốn “chiều lòng” khách hàng số đông
- Xu hướng tuyển dụng mới nhất ở Việt Nam