Chỉ số thông minh của bạn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự thành công – thứ mà mọi người thường mơ ước và cũng không ít người thất vọng khi không đạt được nó. Câu nói “bắt cá leo cây” có vẻ đã quá quen thuộc, tuy nhiên đã khi nào bạn thật sự tìm hiểu ưu điểm của mình để có thể tiến đến thành công hay chưa?
Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để tìm xem bản thân bạn thực sự có những lợi thế nào và phát triển đúng với khả năng của mình!
Bài viết liên quan:
- Lập kế hoạch hiệu quả với phương pháp 5W – 1H – 2C – 5M
- Chủ động trong công việc: Chìa khóa thành công
Chỉ số thông minh có ảnh hưởng nhất định đến sự thành công của một người
Chỉ số thông minh là gì? Vì sao IQ lại quan trọng?
Chỉ số thông minh (IQ) là gì?
Chỉ số thông minh (IQ) là viết tắt của cụm Intelligence Quotient, là một trong những chỉ số phổ biến nhất để đo khả năng xử lý tình huống, sự nhạy bén, khả năng phản biện của một người. Chỉ số IQ càng cao càng chứng tỏ bạn sở hữu khả năng nắm bắt, phân tích và xử lý tình huống rất nhanh nhạy.
Các nhà khoa học đo chỉ số thông minh IQ thông qua tính toán, với công thức tính như sau:
IQ = (AM/AR) x 100
Trong đó:
- AM là tuổi khôn
- AR là tuổi thực
Chẳng hạn: một cô bé 11 tuổi trả lời đúng những câu hỏi có trình độ 15 tuổi, thì IQ của cô bé đó được tính như sau:
IQ = (15/11)*100 = 136
Thông thường, IQ của con người sẽ rơi vào khoảng 100. Trong đó, chỉ số thông minh của người Việt Nam là 94, được xếp ở mức tương đối cao trên bản đồ IQ thế giới.
Vì sao IQ lại quan trọng?
Như đã đề cập ở trên, IQ là chỉ số phổ biến nhất được dùng để thể hiện “trình độ” và khả năng tư duy của một người, mà tư duy lại được xem như một trong những kỹ năng quan trọng được xem trọng nhất. Biết cách vận dụng chỉ số IQ của mình, bạn có thể dễ dàng thành công trong cả công việc và cuộc sống.
Chỉ số IQ của người bình thường sẽ rơi vào khoảng 70-100 trong khi người có IQ >130 được xem như thiên tài
Các yếu tố ảnh hưởng đến IQ
Có nhiều yếu tố có khả năng ảnh hưởng đến chỉ số IQ của một người, trong đó 5 yếu tố sau góp phần khá lớn:
- Di truyền: Ba mẹ, ông bà sở hữu chỉ số IQ cao thì con cái cũng sẽ được thừa hưởng trí thông minh tương tự. Đó là lý do vì sao các dòng họ có truyền thống nho giáo, học cao thì con cháu đời sau cũng thông minh và kế thừa được truyền thống ấy.
- Phương pháp giáo dục: Giáo dục đóng vai trò lớn trong việc hình thành tính cách và trí thông minh của một người. Từ khi đứa trẻ còn chưa hoàn thiện về mặt nhận thức cho đến khi trưởng thành, chỉ số thông minh hoàn toàn có thể được cải thiện thông qua các hình thức giáo dục vượt trội.
- Chế độ ăn uống, luyện tập: Khác với quan niệm truyền thống rằng ăn thịt cá nhiều sẽ giúp trẻ thông minh hơn, các nghiên cứu dinh dưỡng được công bố trên khắp thế giới cho thấy việc ăn nhiều rau củ và bổ sung vừa đủ các loại chất dinh dưỡng sẽ có lợi hơn cho sự phát triển của não. Bên cạnh đó, việc có một chế độ luyện tập hợp lý, phù hợp với thể lực mỗi người cũng giúp tế bào não bộ phát triển mạnh mẽ hơn mỗi ngày.
- Cân nặng: Theo nghiên cứu, những người có cân nặng ở mức bình thường sẽ có khả năng tiếp thu tốt hơn, IQ cao hơn so với những người thừa cân hoặc suy dinh dưỡng. Nguyên nhân được chỉ ra là lượng mỡ quá nhiều hoặc thiếu chất sẽ khiến dây thần kinh bị chèn ép, dẫn đến chỉ số thông minh thấp hơn nhiều so với mức bình thường.
- Ảnh hưởng của môi trường: Sức khỏe tâm lý, tâm thần đóng vai trò không nhỏ trong sự phát triển trí tuệ của một người. Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, so với một người có sức khỏe tâm thần tốt, người bị trầm cảm, stress hoặc thiếu thốn về tinh thần sẽ có chỉ số IQ thấp hơn.
Sự phát triển chỉ số thông minh của một người phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau
Top 8 chỉ số thông minh giúp khám phá tiềm năng trong bạn
IQ (Intelligence Quotient) – Chỉ số thông minh
IQ là chỉ số thông minh phổ biến nhất và đã được giới thiệu khá kỹ lưỡng ở phần 1. Và để nhận biết một người có IQ cao, bạn có thể dựa vào các dấu hiệu như:
- Khả năng xử lý vấn đề nhanh chóng
- Khả năng thích nghi tốt
- Tâm lý cầu toàn khi làm việc
- Hài hước
- Kiên nhẫn, có lòng tin vào những gì mình thực hiện
- Trực giác tốt
- Học hỏi không ngừng
Với những tính cách đó, người sở hữu IQ cao có thể sẽ phù hợp với các công việc như thẩm phán, chuyên gia tâm lý, làm việc trong ngành IT,…
EQ (Emotional Quotient) – Chỉ số thông minh cảm xúc
Chỉ số thông minh phổ biến đứng thứ hai chỉ sau IQ chính là EQ – trí thông minh cảm xúc. EQ được dùng để đo lường khả năng thấu hiểu, cảm thông, năng lực điều khiển cảm xúc của một người.
Sở hữu EQ cao, bạn có rất nhiều lợi thế trong cả cuộc sống cá nhân và công việc. Đặc biệt là ở kỷ nguyên của sự giao tiếp, người sở hữu EQ cao nhiều khi còn được đánh giá cao hơn người có IQ cao. Trong công việc, EQ giúp bạn gây dựng network tốt hơn, teamwork tốt hơn, là chìa khóa không thể thiếu để chinh phục các mục tiêu nghề nghiệp.
Chỉ số cảm xúc đóng vai trò quan trọng trong đời sống và công việc
Vậy, đâu là những tố chất cần có của một người sở hữu EQ cao? – Bạn có thể dựa vào những dấu hiệu sau để xác định:
- Khả năng quan sát, thích nghi, tùy cơ ứng biến trước những tình huống có sự chuyển biến bất ngờ
- Khả năng thấu hiểu, đồng cảm với cảm xúc của người khác
- Cảm xúc ổn định, khó bị kích động
- Khả năng chấp nhận cao, biết nhận lỗi và sửa lỗi
- Sở hữu thái độ sống tích cực, lạc quan và không than thở
SQ (Social Quotient) – Trí thông minh xã hội
Khi bạn biết sử dụng sự nhạy bén trong nhận thức những mối quan hệ, những sự việc mới nảy sinh trong xã hội để chủ động điều tiết hành động, cư xử của mình trong cộng đồng được các nhà tâm lý học gọi là trí thông minh xã hội (Social Intelligence) – SQ. SQ gồm 3 khía cạnh cơ bản: trách nhiệm, khiêm tốn và hạnh phúc.
Một người có SQ cao sẽ sở hữu những dấu hiệu sau:
- Khả năng biểu đạt lưu loát
- Hiểu và nắm bắt những luật lệ (thành văn và bất thành văn) của xã hội
- Khả năng lắng nghe tốt
- Thấu cảm
- Khả năng quản lý cảm xúc và hình ảnh bản thân tốt
- Thích nghi nhanh chóng với môi trường mới
CQ (Creative Intelligence) – Chỉ số thông minh sáng tạo
Được sử dụng để đo lường trí thông minh sáng tạo của một người, CQ thể hiện năng lực khám phá, sáng tạo ra cái mới khác biệt. Mỗi một vấn đề trong cuộc sống đều không hề có một lối mòn mà đều cần một người đầu tiên khai phá, mở lối đi riêng – và đó là nơi CQ phát huy tác dụng.
Người có chỉ số CQ cao thường sẽ phù hợp với các công việc thiên tính nghệ thuật
Để có được CQ cao, bạn phải có khả năng quan sát và phân tích dữ liệu từ môi trường thực tế, từ đó phát triển ra một ý tưởng mới tốt hơn, tuyệt vời hơn. Và xuyên suốt lịch sử, chính CQ đã giúp loài người đạt được những thành tựu văn minh nhất định.
Để nhận biết người có CQ cao, bạn có thể dựa vào các tiêu chí như:
- Tôn vinh & khuyến khích sự sáng tạo
- Khả năng ghi nhớ & thể hiện ý tưởng thông qua hình ảnh
- Khả năng chấp nhận sai lầm và điều chỉnh
Từ cái tên có lẽ bạn cũng đã đoán được, người sở hữu CQ cao sẽ phù hợp với những công việc có thiên hướng nghệ thuật cao như họa sĩ, nghệ sĩ, kiến trúc sư, đạo diễn,…
PQ (Passion Quotient) – Chỉ số đam mê
Một cái tên khá mới lạ trong số những chỉ số thông minh, PQ được sử dụng để đo lường chỉ số đam mê của một người. Đam mê là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định thành công của một người trong công việc. Vì thế, nếu sở hữu PQ cao, bạn sẽ có thể dễ dàng tiến đến đỉnh vinh quang của sự nghiệp.
Vậy, người có PQ cao sẽ có thể được nhận biết nhờ vào các yếu tố nào? – Có 3 yếu tố cơ bản để nhận diện, gồm:
- Tình yêu, đam mê với công việc
- Khả năng tập trung cao độ khi làm việc
- Chấp nhận thử thách, thách thức trong công việc, không e dè trước khó khăn
Và với PQ cao, bạn có thể “cân” được bất cứ ngành nghề nào mà mình yêu thích. Vì thế, nếu đã sở hữu những tố chất trên, đừng ngần ngại bước đi trên con đường mà mình đã chọn và tin tưởng vào bản thân nhé!
PQ trở thành yếu tố tiên quyết quyết định thành công của một người trong công việc
AQ (Adversity Quotient) – Chỉ số vượt khó
Được sử dụng để đo lường khả năng ứng xử, đối phó với nghịch cảnh trong cuộc sống, công việc, AQ là một trong những chỉ số thông minh được nhiều người quan tâm trong thời điểm hiện tại. Đặc biệt, nếu làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu, phát minh,… AQ là tố chất cần thiết và quan trọng hàng đầu để các nhà tuyển dụng cân nhắc ứng viên.
Chỉ số AQ được đo lường dựa trên các yếu tố như: tốc độ xử lý thông tin, năng suất làm việc, kỹ năng thích nghi và xử lý vấn đề, tinh thần làm việc hứng khởi,… Và người sở hữu AQ thường sẽ hội tụ đầy đủ những yếu tố như:
- Khả năng điều khiển sự việc, tính chủ động trong công việc
- Tinh thần trách nhiệm cao
- Tầm hiểu biết cao và luôn không ngừng nỗ lực để mở rộng nó
- Sức bền tốt, có khả năng trụ vững trước bất kỳ khó khăn hay sóng gió nào
SQ (Speech Quotient) – Khả năng biểu đạt ngôn ngữ
Chỉ số thông minh thứ 7 mà Jobhopin giới thiệu hôm nay chính là SQ – khả năng biểu đạt ngôn ngữ của một người. SQ được sử dụng để đo lường khả năng sử dụng ngôn ngữ, lời nói để biểu đạt chính xác và dễ hiểu những gì mình muốn thể hiện. Một người có SQ cao thường sẽ có khả năng nói chuyện, thuyết phục rất lưu loát.
Tuy sở hữu khả năng ăn nói lưu loát, người có SQ cao không nhất định phải là người hoạt ngôn
Nhiều người thường nhầm lẫn SQ với khả năng hoạt ngôn. Tuy nhiên đây là một khái niệm khá sai lầm. Một người có thể sở hữu SQ cao và đồng thời là người kiệm lời. Tuy nhiên, một khi cần thiết, họ có thể biểu đạt chính xác những gì bản thân mong muốn.
MQ (Moral Quotient) – Chỉ số đạo đức
MQ chính là chỉ số cuối cùng trong số các chỉ số thông minh mà Jobhopin muốn đề cập đến trong bài viết này. Đây là một thuật ngữ không quá mới mẻ đồng thời cũng không phổ biến trong xã hội, bởi người ta cho rằng đạo đức thường được đo bằng cảm tính, hoặc thuộc phạm trù “bất thành văn” trong xã hội hơn. Tuy nhiên, trong môi trường doanh nghiệp hiện nay, chỉ số đạo đức đã bắt đầu được các nhà quản trị quan tâm và để mắt tới nhiều hơn.
MQ cần thiết cho tất cả các vị trí công việc. Tuy nhiên, nếu là người sở hữu MQ cao, bạn rất có thể sẽ phù hợp với công việc thuộc các lĩnh vực được tin tưởng và giao cho những vị trí chủ chốt, có tính bảo mật cao tại công ty như quản lý tiền bạc, chi tiêu, ngân sách, quản lý nhân lực,…
Biết mình có gì và cần gì cũng là một kĩ năng, chúc bạn tìm được các chỉ số thông minh vốn có của mình và phát huy nó một cách tối đa nhất! Đừng quên theo dõi Fanpage và LinkedIn của chúng tôi để cập nhật những tin tức mới nhất về tin tức, sự kiện ngành Nhân sự và Công nghệ nhé!