Trong buổi chia sẻ ngày 7/7 vừa qua với chủ đề “Cách làm chủ áp lực để thăng tiến trong công việc”, CMO Propzy Nguyệt Phạm đã đưa ra ra lời khuyên và kinh nghiệm đầy giá trị cho những bạn trẻ còn băn khoăn với nghề. Bằng năng lượng tích cực và cách dẫn dắt thu hút, chị đã mang đến buổi AMA #3 vừa qua những góc nhìn cập nhật hữu ích bên cạnh các kỹ năng làm việc – lãnh đạo con người giàu tính nhân văn.
“Kiến thức và kinh nghiệm chỉ là điều kiện cần, không phải điều kiện đủ”
Câu hỏi đầu tiên đến từ bạn Lam Trịnh: “Để áp dụng được kiến thức marketing đã học ở trường với các yêu cầu trong công việc khi đi làm, theo chị marketers cần làm gì để hòa nhập và kết hợp một cách hiệu quả?”
“Kiến thức và kinh nghiệm chỉ là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện đủ”. Theo kinh nghiệm của chị, Nguyệt Phạm cho rằng thành công không chỉ nằm ở kiến thức, mà còn là đam mê và dấn thân. Đam mê sẽ giúp chúng ta tìm hiểu về bất cứ thứ gì mình muốn về ngành nghề yêu thích. Đây là một nguồn động lực rất lớn vì có nó, chúng ta sẽ tìm cách để đạt được mục tiêu của mình.
Nếu không có thời gian học hỏi, chị Nguyệt Phạm cho biết, chúng ta cũng sẽ tìm cách để có được thời gian.
Bước tiếp theo cũng không kém phần quan trọng là xác định mức độ đam mê với ngành nghề mà theo lời chị Nguyệt Phạm, bất kỳ ai cũng nên tự hỏi những câu như:
- Mình đã yêu thích nghề đủ chưa?
- Mình có sẵn sàng từ bỏ những việc khác để theo đuổi nghề chưa?
Trả lời được những câu hỏi này cũng là một cách thức quan trọng để xác định con đường của bạn, và ngành Marketing cũng vậy.
Không thích được dẫn dắt mà tự tìm con đường riêng
Nhớ lại câu chuyện của chính mình, chị Nguyệt Phạm đã từng từ bỏ học bổng đáng mơ ước của trường Sư phạm để theo học một trường Dân lập. “Ở thời điểm đó, đó là một quyết định táo bạo và đi ngược lại tất cả những mong muốn của người khác.”
Chị kể tiếp, “Mình cũng đã từ bỏ rất nhiều cơ hội, như làm ngân hàng, hàng không,… khi ra trường. Nguyệt không thích để người khác dẫn dắt mình, tạo cho mình những cơ hội dễ dàng có. Và mình đã tự lựa chọn con đường cho mình, tự theo học Quản trị Kinh doanh, ra trường làm nghề Marketing. Toàn bộ là do mình tự chọn hết.”
Chị Nguyệt Phạm cũng kết luận rằng, vì đó là con đường mình đã chọn, mình phải cố gắng hết sức để đạt được nó. Nghề Marketer cũng tương tự, chỉ cần có đủ đam mê và dấn thân thì sẽ làm được mọi thứ, chị tin tưởng.
Tốc độ phát triển của doanh nghiệp đòi hỏi gì ở người lãnh đạo Marketing?
Bạn Đạt Văn đặt câu hỏi tiếp theo: “Em chào chị Nguyệt ạ, Em được biết chị Nguyệt vừa tham gia vào Propzy được 10 tháng, trong một khoảng thời gian khá ngắn nhưng chị đã giúp Propzy phát triển vượt trội về mặt thương hiệu, vậy không biết bí quyết marketing của chị là gì?”
Chị Nguyệt Phạm cho rằng khi tham gia Propzy trong một thời gian rất ngắn và nhanh, bản thân cũng không có thời gian giao tiếp với team mà chỉ chủ yếu tập trung vào công việc. Nguyệt Phạm đã đúc rút ra sau 18 năm làm việc bí kíp gầy dựng mối quan hệ tốt đẹp với đồng đội thông qua kinh nghiệm và tư duy logic.
Khi xây dựng thương hiệu, nên có một lộ trình cho bất cứ thương hiệu nào, dù có tiếng tăm từ trước như Adidas hay doanh nghiệp mới chớm ở thị trường Việt Nam. Từng đi qua rất nhiều giai đoạn khác nhau, chẳng hạn như Adidas đã rất nổi tiếng trên thị trường, nhiệm vụ của lãnh đạo như Nguyệt Phạm là giúp thương hiệu được “yêu thương” trên thị trường đích hơn, mang lại những hiểu biết thương hiệu đến cho người tiêu dùng. Hay đối với những thương hiệu chưa được đặt tên, chị cũng phải suy nghĩ xem đặt tên như thế nào, định hình tính cách ra sao, tầm nhìn và sứ mệnh của thương hiệu là gì,… để bắt đầu “nuôi nấng” ngay từ khi thương hiệu còn chưa lọt lòng.
Quyết tâm phải giải được bài toán “Làm thế nào để đưa thương hiệu đến với thị trường?”, chị Nguyệt Phạm mô tả quá trình thực hiện như sau:
- Tìm hiểu nhanh nhất về thương hiệu (đối tượng là ai, câu chuyện đằng sau là gì, tầm nhìn và sứ mệnh ra sao)
- Sau khi lên kế hoạch, cần sắp xếp được nguồn lực mà chị gọi là “special force” – “đội đặc nhiệm” cùng chung chí hướng và tình yêu để đưa thương hiệu đi lên
- Tiến hành nhanh chóng sau khi lên kế hoạch, sai-và-sửa, và rút ra bài học kinh nghiệm
Sẽ có bạn trong team bị áp lực với tốc độ thực thi nhanh chóng này, nhưng sự đúng giờ là quy củ mà Nguyệt Phạm đòi hỏi rất nhiều trong đội nhóm để thực hiện kế hoạch hoàn hảo và trong thời gian ngắn nhất có thể, chị cho biết.
Chiến thuật lãnh đạo trọng con người
Bạn Crystal Nguyễn đặt câu hỏi: “Chị Nguyệt đã từng gặp vấn đề khi chuyển sang một công ty mới và gặp sự phản kháng của team đối với manager chưa ah? Chị có thể chia sẻ thêm kinh nghiệm lãnh đạo cho người mới bắt đầu làm MKT Manager không ah? Về quản lý nhân sự và tiếp nhận công việc ở ngành mới. Em cám ơn chị ạ!”
Đây là vấn đề mà Nguyệt Phạm gặp ở tất cả các team từng đi qua, chị đưa ra hai nguyên nhân lớn khiến khó khăn này xảy đến với các lãnh đạo mới: Các thành viên từ chối (resist) những điều mới. Điều này có thể gây ra biểu hiện tiêu cực:
- Chưa quen tư tưởng và phong cách làm việc của lãnh đạo
- Chưa kịp thích nghi với việc vận hành đội nhóm mới
Cách giải quyết của chị là: Cho các bạn thời gian, chia sẻ mong đợi, chiến lược đến các bạn một cách rõ ràng nhất. Khi đã cho quá nhiều thời gian, sẽ có deadline cho các bạn thực thi kế hoạch, xem xét và điều chỉnh. Từ đó, Nguyệt Phạm sẽ tìm ra vấn đề là do đâu: Từ bản thân các bạn (vấn đề thái độ, tư duy) hay quản lý, và tìm ra giải pháp thích hợp.
Đằng sau một chiến dịch Marketing thành công
Bạn Đỗ Thuý Kiều hỏi: “Các chiến dịch Marketing ở nhiều công ty mới thành lập hay startup thường thay đổi liên tục, liệu có phải các chiến dịch trước đó đều không thành công nên mới liên tục chuyển mình?”
Chị Nguyệt Phạm tin rằng môi trường startup chỉ phù hợp cho những người có khả năng sáng tạo, thích nghi, và thay đổi nhanh chóng theo môi trường, bởi mình phải làm những công việc chưa từng có tiền lệ và cũng không có chia sẻ kinh nghiệm để học hỏi. Nếu bạn đam mê sáng tạo, bạn có thể theo đuổi startup.
Lời khuyên nâng cao kỹ năng và kiến thức
Trả lời câu hỏi của bạn Phạm Minh Nhật : “Chị Nguyệt có thể chia sẻ cho em về cách nâng cao kiến thức marketing trong đời sống hằng ngày?”, chị cho rằng Marketing khá đơn giản vì nghiêng về khía cạnh đời sống – con người, kỹ năng mềm, tư duy đúng đắn đặt con người làm trọng tâm. Nếu muốn nâng cao trình độ, bạn nên tìm hiểu về insights. Còn chưa từng học Marketing ở đại học thì có thể học những khóa học ngắn như cách viết Content, Design, hay Digital Marketing,… Chị khuyến khích tập trung phát triển chuyên môn của mình, để khi phát triển trong sự nghiệp thì bản thân đã thông thạo được những công cụ và kênh làm Marketing hiệu quả.
Kết
Những chia sẻ chân thành và giá trị từ chị Nguyệt Phạm đã giúp các bạn trẻ loay hoay với công việc gỡ rối rất nhiều. Chị cũng cho đi những bài học kinh nghiệm quý giá trong suốt hành trình gần hai thập kỷ với công việc, với niềm đam mê và dấn thân bất biến. Mong rằng các bạn đã tìm được những cách gỡ nút cho riêng mình trong hành trình Marketing với chủ đề “Cách làm chủ áp lực để thăng tiến trong công việc” vừa qua.
Để không bỏ lỡ những góc nhìn từ hàng ngũ chuyên gia, hãy theo dõi những buổi AMA tiếp theo nhé.
Đăng ký nhận newsletter độc quyền từ chị Nguyệt Phạm tại: [LINK]
Tham gia Cộng đồng Digikigai của JobHopin để nhận thông báo mới nhất về các sự kiện hấp dẫn sắp tới!
JobHopin Team