Giai đoạn từ sau Tết đến tháng 5 là mùa tuyển dụng nhộn nhịp, nhưng năm nay dịch Corona đã ảnh hưởng đến thị trường này.
Bùng phát từ đầu tháng 12/2019, đến nay dịch viêm phổi hô hấp cấp Covid-19 đã lan rộng và ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, lẫn nền kinh tế toàn cầu. Các chuyên gia chưa thể dự đoán tiếp tình hình khi virus này biến đổi giảo hoạt.
Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp lao đao. Các ngành nghề như Du lịch, F&B, sự kiện, xuất khẩu, hàng không… đều chịu tác động lớn. Nhiều doanh nghiệp kêu cứu khiến chính phủ quyết định tung gói tín dụng 250,000 tỷ đồng, gói tài khoá 30,000 tỷ đồng và hàng loạt biện pháp để “giải cứu” doanh nghiệp.
Đáng lưu ý là thị trường tuyển dụng cũng đang hứng chịu tác động của dịch bệnh. Nếu từ tháng 2 đến tháng 5 hàng năm là thời điểm nhảy việc, tìm việc sôi nổi, thì năm nay không khí dường như ảm đạm thấy rõ.
Thiếu hụt lao động là mối lo ngại của các doanh nghiệp sản xuất. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, riêng tại một số doanh nghiệp có lao động là người Trung Quốc có trên 11,000 người trong tổng số 40,000 lao động chưa quay lại làm việc do dịch cúm. Ngoài ra, ước tính có khoảng 3,000 lao động trong ngành du lịch, dịch vụ ăn uống bị mất việc do lượng khách du lịch giảm, huỷ tour. Như vậy, một thực tế đang diễn ra ở thị trường tuyển dụng: Số người ứng tuyển tăng lên trong khi số lượng công việc giảm sút, hoặc chững lại do kinh doanh và sản xuất gặp khó khăn.
Bài toán tuyển dụng cần giải quyết ra sao, làm thế nào để ứng viên tăng cơ hội tìm thấy công việc trong thời buổi dịch Corona hoành hành và nhà tuyển dụng cần thực hiện điều gì để tìm cho mình được ứng viên tài năng nhất?
Thử thách bản lĩnh
Tác động tiêu cực do dịch Covid-19 đối với thị trường đã gợi lên một vấn đề: Đây là khó khăn mang tính “thử thách bản lĩnh” của ứng viên và nhà tuyển dụng.
Sa thải nhân viên là điều không thể tránh khỏi khi doanh nghiệp cần cắt giảm chi phí và duy trì tính cạnh tranh, nhất là trong khoảng thời gian doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, xu hướng mất an ninh việc làm gia tăng, người lao động đối diện với thực tế không còn một công việc ổn định. Tương tự đó, tìm một công việc tốt trong giai đoạn này cũng không phải điều dễ dàng.
Đối với nhà tuyển dụng, việc làm sao để có thể tìm được ứng viên tài năng, phù hợp với công ty nhất là một bài toán cần lời giải trong bối cảnh có quá nhiều người lao động ứng tuyển. Đây là thời điểm kiểm chứng năng lực tuyển dụng của mỗi công ty – công ty có quy trình vận hành tốt để bước qua những khó khăn do ngoại cảnh, công ty nào có nội lực vững chắc, đâu là công ty có chế độ đãi ngộ tốt, môi trường làm việc lý tưởng… Tất cả sẽ được kiểm chứng trong giai đoạn này.
Biến thách thức thành thời cơ trong mùa dịch Corona
Đối với ứng viên:
Trong giai đoạn này, khi thực hiện ứng tuyển, hãy chăm chút kỹ càng cho CV của bạn, sao cho CV ngắn gọn, ấn tượng. Có thể bạn chưa biết nhưng thời gian trung bình để một nhà tuyển dụng ấn tượng với CV của bạn vỏn vẹn trong 7s.
Chuẩn bị sẵn câu trả lời cho một số tình huống nhất định. Quan trọng là cần quan tâm đến sức khoẻ bản thân, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cả về trí lực và thể lực.
Trong dài hạn, hãy coi thời gian này như là cơ hội để bạn tự đánh giá lại năng lực bản thân. Thử đặt câu hỏi xem liệu nếu trong thời gian nữa nền kinh tế tiếp tục gặp khó khăn thì bản thân mình có cơ hội để ứng tuyển thành công công việc mong muốn hay không?
Đối với nhà tuyển dụng
Trong ngắn hạn, doanh nghiệp cần ổn định sản xuất, kinh doanh, tạo môi trường làm việc an toàn nhất cho người lao động của mình (khử trùng, diệt khuẩn, chuẩn bị các loại nước rửa tay, hạn chế các hoạt động tập thể…), có thể cho phép nhân viên phỏng vấn qua mạng, làm việc tại nhà trong thời gian có dịch, tận dụng tốt các nguồn hỗ trợ từ Chính phủ để đưa kinh doanh hoạt động bình thường trở lại…
Trong dài hạn, nhà tuyển dụng cần dự báo và chuẩn bị tốt cho việc đối phó với các tình huống biến động của thị trường. Càng ngày sẽ càng xuất hiện nhiều tác nhân có thể gây ảnh hưởng không tốt tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nền kinh tế nói chung, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói riêng, trong đó có ngành tuyển dụng đang trải qua giai đoạn khó khăn và chưa thể khẳng định được diễn biến tiếp theo. Tuy nhiên, với sự chung tay có trách nhiệm của toàn xã hội và các quyết sách, cơ chế hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ sẽ giúp cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì phát triển. Những nhà tuyển dụng và cả người lao động sẽ tìm được những mảnh ghép phù hợp nhất với mình.
JobHop Team