Sức khỏe tinh thần trong mùa work-from-home

Không chỉ là một căn bệnh truyền nhiễm gây suy thoái thể chất, Covid-19 đã khiến đời sống sức khỏe của con người bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt về mặt tinh thần. Theo Metlife, chỉ trong vòng vài tháng sau khi Covid-19 bùng nổ: 44% nhân viên cảm thấy quan ngại sâu sắc về đời sống thể chất, tinh thần và xã hội của mình; trong khi 80% nhân viên tin rằng cấp trên có trách nhiệm phải quan tâm đến sức khỏe và tinh thần của họ, cao hơn so với mức 73% trước dịch 

Cho đến đầu 2021, số người mắc bệnh trầm cảm đã tăng 50%, và hơn một nửa lực lượng lao động mắc chứng suy giảm tập trung. Gần đây hơn, một nghiên cứu với 2,800 nhân viên từ công ty nhân sự Robert Half cho thấy 4 trên 10 nhân viên cảm thấy dễ kiệt quệ khi làm việc, cao hơn 34% so với cùng kỳ năm ngoái. 

 

Khi sếp không đoái hoài sức khỏe tinh thần của nhân viên

Những con số biết nói trên chính là lý do tại sao ‘sức khỏe tinh thần’ là ưu tiên số một của các công ty khi xây dựng môi trường làm việc trong thời đại ‘bình thường mới’. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu sếp không quan tâm, và nhân viên thì  thường xuyên cảm thấy bị quá tải? 

Nghiên cứu gần đây của Gallup về sự kiệt quệ ở nhân viên cho thấy đối với những người thường cảm thấy quá tải khi làm việc: 

  • 63% trong số họ có xu hướng xin nghỉ ốm thường xuyên
  • 23% có xu hướng hay xin nghỉ đột xuất
  • Mong muốn nhảy việc tăng 2,6 lần
  • 13% cảm thấy tự ti hơn về công việc của mình 

Sự kiệt quệ này không chỉ ảnh hưởng đến năng suất làm việc cả nhóm, mà nó còn có thể dẫn đến nhiều vấn đề tâm lý phức tạp, thậm chí là trầm cảm. 

>>> Đọc thêm: Hội chứng hang động hậu Covid-19 và nỗi sợ quay lại văn phòng

4 phương pháp để giữ lửa nhân viên từ xa 

Chăm sóc tinh thần cho nhân viên không chỉ giúp giảm thiểu tình trạng kiệt sức, mà còn xây dựng một văn hóa văn phòng lành mạnh nơi nhân viên cảm thấy được quan tâm bất kể lúc nào. Bạn có thể tham khảo bốn cách chăm sóc sức khỏe nhân viên thường thấy trên thế giới dưới đây: 

1. Nghỉ phép tập thể

Nhiều nhân viên có xu hướng chần chừ khi nghỉ phép, vì họ sợ cảm giác trở thành gánh nặng của đồng nghiệp nếu họ không làm việc. Khi Covid-19 ập tới, nhân viên có xu hướng ở lại văn phòng lâu hơn và dành thời gian giải quyết những công việc tồn đọng trong thời gian Work-from-home, và việc nghỉ phép đối với họ trở nên xa vời hơn bao giờ hết.  

Chính vì thế, hãy cho cả công ty nghỉ ngơi. LinkedIn đã “chơi lớn” khi cho phép 15,900 nhân viên toàn thời gian của họ nghỉ 1 tuần để nghỉ ngơi và sạc năng lượng. Hubspot và Hootsuite cũng sử dụng chiến thuật tương tự, và các công ty như SAP, Cisco, Google và Thomson Reuters thì cho phép một ngày nghỉ lễ “Sức khỏe tinh thần”.

Giải pháp này truyền tải một thông điệp mạnh mẽ, rằng công ty bạn ưu tiên sức khỏe tinh thần của nhân viên đến mức sẵn sàng “hy sinh” số giờ làm việc của họ, để nhân viên nghỉ ngơi chỉ để nạp năng lượng tinh thần. Hơn nữa, nó giúp bỏ bớt gánh nặng của việc xin nghỉ phép và nhân viên tự tin, chủ động hơn trong việc sắp xếp thời gian làm và nghỉ của bản thân.

2. Bớt họp lại

Trung bình, một nhân viên tham dự 62 cuộc họp mỗi tháng, nghĩa là họ dùng ⅕ giờ làm của mình chỉ để họp. Không chỉ bị thiếu thời gian hoàn thành công việc, họ còn nhanh chóng trở nên mệt mỏi, đặc biệt là khi phải ngồi liên tục trước màn hình máy tính để họp online. Chính những điều đó làm cho họ cảm thấy chán nản, không hài lòng với hiệu suất của mình, và dẫn đến kiệt quệ. 

Thế nên, hãy dừng việc meeting thường xuyên. Trong khi Uber chơi chiêu “Thứ hai không họp hành”, Asana áp dụng “Thứ tư không gặp mặt” và Wilderness sử dụng “Thứ tư chỉ tập trung làm việc”. Những công thức này giúp điều chỉnh lại hệ thống họp hành, giúp nhân viên sắp xếp và tập trung vào công việc một cách tốt hơn mà không phải e sợ bị gián đoạn bởi một cuộc họp nào đấy. 

3. Hãy để nhân viên làm chủ sức khỏe tinh thần của họ 

Nhiều công ty nhận thấy rằng, việc ép buộc nhân viên đi du lịch để nghỉ ngơi không hiệu quả. Thế nên, họ sáng tạo những hoạt động, chương trình mang ý nghĩa hơn để hỗ trợ, giúp đỡ nhân viên nâng cao sức khỏe tinh thần, đơn cử như lớp học tâm lý online hay phần mềm thư giãn như Headspace và Calm. Các phương thức trên giúp cho sếp “dễ thở” hơn trong việc quản lý, cũng như nhân viên có thể được hỗ trợ mọi nơi, mọi lúc; nhất là khi work-from-home có thể phải duy trì trong vòng hai năm tới. 

Vấn đề tâm lý ở mỗi cá nhân luôn khác nhau. Chính vì thế, việc để nhân viên chủ động quản lý sức khỏe tinh thần của mình rất quan trọng, và công ty có thể hỗ trợ bằng cách chu cấp tài chính. Với khoản tiền đó, nhân viên có thể tự chọn những phương pháp phù hợp với nhu cầu của mình, và với tư cách là sếp, thì bạn có thể quyết định mức hỗ trợ là bao nhiêu, có thể chi tiêu như thế nào, và cách để đổi mới quyền lợi.  

Một số khoản chi tiêu mà công ty có thể đề xuất bao gồm: 

  • Buổi tư vấn với chuyên gia và bác sĩ tâm lý 
  • Đăng ký thành viên app quản lý sức khỏe tinh thần 
  • Chương trình giảm cân an toàn khỏe mạnh
  • Toa thuốc theo đơn
  • Chi phí du lịch nghỉ phép
  • Học phí lớp yoga 
  • Dịch vụ dọn dẹp nhà cửa

Cá nhân hóa dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần nhân viên sẽ giúp tạo nên một môi trường làm việc gắn kết hơn, giảm thiểu tình trạng xin từ chức. Một số công ty lớn như Basecamp và Salesforce thường hỗ trợ hằng tháng $100 mỗi người, còn Facebook, Zoom, hay Webflow thì tự thiết kế một chương trình hỗ trợ riêng dành cho nhân viên của mình. 

4. Làm việc bốn ngày một tuần

Tạo điều kiện cho nhân viên nghỉ ngơi thì tốt đấy, nhưng khi so sánh với thời gian một người làm việc – trung bình 90,000 giờ trong cả đời người, thì số giờ nghỉ phép chỉ là hạt cát giữa sa mạc. 

Nếu mỗi tuần nhân viên có thêm một ngày để nghỉ ngơi thì họ có nhiều thời gian để chăm sóc bản thân và gia đình hơn thay vì chật vật tìm cách cân bằng giữa chuyện làm và chuyện nhà cửa. Một hậu phương vững chắc, hay đời sống cá nhân hạnh phúc sẽ tiếp thêm lửa cho nhân viên, giúp họ hoàn thành công việc một cách hiệu quả hơn. Làm việc 4 ngày một tuần đã trở thành lựa chọn của rất nhiều doanh nghiệp và quốc gia, và nó đã đem lại tác động tích cực lên sức khỏe tinh thần của nhân viên. Iceland thử nghiệm chủ trương này vào 2015 – 2019 và đã vô cùng thành công. Tiếp bước Iceland, vào năm 2020, Phần Lan cũng áp dụng chế độ 4 ngày, và sau này có thêm cả Canada, Nhật Bản, và Tây Ban Nha. 

>>> Đọc thêm: Doanh nghiệp thời Covid-19: Linh hoạt để tồn tại 

Các nhân viên rất cần sự hỗ trợ từ bạn đấy

Chắc chắn trong khoảng thời gian tới, môi trường việc làm sẽ còn biến động đáng kể. Thời gian làm việc online, work-from-home càng dài thì nhân viên càng có khả năng gặp phải những vấn đề về tâm lý. 

Hãy dành thời gian lắng nghe nhân viên của mình, giảm bớt gánh nặng trên đôi vai họ, và bạn sẽ trở thành một người sếp tận tình, chu đáo, luôn nhiệt tình giúp đỡ nhân viên khi cần. Điều đó không chỉ giúp những nhân viên hiện tại giảm bớt khả năng gặp vấn đề tâm lý, mà còn giúp bạn thu hút những “lính mới” tiềm năng, phù hợp. 

Phỏng dịch từ workable.com

The JobHopin team