Chọn ứng viên hợp văn hóa doanh nghiệp? Đúng nhưng chưa đủ

Vào những năm 70 của thế kỷ trước, nhà tâm lý học John Morse đã thực hiện cuộc thử nghiệm sự tương quan giữa ứng viên và văn hóa doanh nghiệp. Kết quả cho thấy, những người lao động có tính cách phù hợp nơi làm việc thường cảm thấy tự tin về hiệu suất công việc hơn. Đến những năm 90, lựa chọn nhân sự thông qua mức độ phù hợp văn hóa đã trở thành tâm điểm trong ngành tuyển dụng.

Hiện tại, tuyển dụng người tài dựa trên yếu tố văn hóa doanh nghiệp một lần nữa trở thành xu hướng, nhưng bên cạnh đó còn có những vấn đề cần lưu tâm khác.

Xem thêm:

Mặt trái của sự phù hợp văn hóa doanh nghiệp

Khi được áp dụng đúng, việc tuyển dụng phù hợp văn hóa doanh nghiệp sẽ giúp nhân viên nhìn nhận và phát huy tốt vai trò của mình. Nhìn chung, đây là cách để người tài của bạn cảm thấy hài lòng với công việc. Và hầu hết ứng viên đều cân nhắc yếu tố văn hóa trước khi lựa chọn “trao thân gửi phận” sự nghiệp ở bất kỳ nơi nào.

văn hóa doanh nghiệp

Tuy nhiên, khái niệm “phù hợp văn hóa” đã được nhiều nơi xem xét lại vì nó dẫn sự thiếu đa dạng trong tổ chức. Hãy nghĩ xem, nếu 100% nhân sự trong doanh nghiệp của bạn đều có tính cách tương đồng nhau, sẽ rất khó để tạo nên sự đột phá, hoặc hướng tư duy mới lạ. Thay vì một chiến lược tuyển dụng và giữ chân người tài hiệu quả, sự phù hợp văn hóa doanh nghiệp đã trở thành rào cản đối với những nhân tố cá tính độc đáo, hay đơn giản là người có năng lực nhưng tính cách khác biệt số đông.

Việc lạm dụng và hiểu sai khái niệm phù hợp sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường. Khi tiêu chí phù hợp văn hóa được doanh nghiệp đề cao quá mức, được thể hiện qua những định kiến vô thức, sự phân biệt đối xử từ nhà tuyển dụng, các ứng viên sẽ ngay lập tức chú ý và lan tỏa điều này đến những mối quan hệ khác của họ, làm giảm đi số lượng người tài chất lượng muốn ứng tuyển công ty.

>> Xem thêm: Loại bỏ định kiến vô thức trong tuyển dụng để giữ chân nhân tài

Cân nhắc về việc “đóng góp” văn hóa

Trong quá khứ, chúng ta đã dành rất nhiều lời ca ngợi cho yếu tố phù hợp văn hóa doanh nghiệp. Chẳng hạn như những cá nhân có cùng cách tiếp cận, xử lý công việc sẽ dễ dàng hòa hợp với nhau, tạo nên sự hứng thú, bầu không khí vui vẻ. Ngược lại, khi nói đến việc xây dựng một sản phẩm mới, hoặc lập kế hoạch dài hạn trong 5 năm, phải làm sao trước những ý tưởng, lối suy nghĩ gần như là tương đồng nhau? Quả thật là một câu hỏi khó.

văn hóa doanh nghiệp

Phương pháp tuyển dụng dựa trên sự phù hợp đã không thể hiện được sức mạnh trong việc nâng cao hiệu suất của toàn bộ thành viên. Nghiên cứu từ Trường Đại học Columbia cho thấy, một nhóm nhân sự đa dạng cá tính sẽ đưa ra quyết định tốt hơn, mang lại lợi nhuận tài chính cao hơn và góp phần thay đổi hướng tư duy của từng cá nhân.

Tại “căn cứ” của AT&T, những nhà nghiên cứu thị trường giỏi nhất hóa ra lại không phải là người sở hữu hồ sơ phù hợp nhất. Thế nhưng họ đã thật sự tỏa sáng, nguyên nhân chính đến từ sự đa dạng của đội ngũ.

“Những người có hiệu suất tầm trung chỉ quan tâm công việc của họ và tự giới hạn bản thân bằng cách học hỏi đồng nghiệp có vai trò tương tự. Mặt khác, những cá nhân có năng suất cao sẽ tìm cách tiếp cận mọi người ở nhiều vai trò công việc hơn, vì vậy họ hiểu được quan điểm của các nhà quản lý, khách hàng và kể cả đối thủ cạnh tranh.” – Theo Alex Pentland, Harvard Business Review.

Từ góc độ này, sự phù hợp văn hóa doanh nghiệp là một trong những yếu tố để nhà tuyển dụng xem xét khi lựa chọn người tài, tuy nhiên nó không phải là tất cả. Hãy cân nhắc về phương pháp “đóng góp” văn hóa, nghĩa là một người có thể mang lại có đội nhóm của họ những ý tưởng, tư duy khác nhau thay vì chỉ chú trọng mức độ phù hợp. 

Phỏng dịch từ workable.com

JobHopin Team