Lòng thấu cảm đáng giá bao nhiêu? Không tự nhiên mà câu hỏi đó lại tồn tại ở một blog chuyên biệt về tuyển dụng như JobHopin. Khi bạn tìm kiếm một nơi làm việc, không chỉ là mức lương, môi trường làm việc mới là thứ giúp bạn gắn bó lâu dài cùng công ty.
Tuy nhiên, làm sao để tìm một môi trường làm việc tốt? Hãy cùng chúng tôi học cách nhìn và hiểu sâu người đối diện với khái niệm lòng thấu cảm. Bởi để tạo nên một môi trường làm việc tốt thì lòng thấu cảm giữa các nhân viên cũng như đối với cấp trên là điều vô cùng cần thiết.
Làm sao để thấu cảm hơn với người đối diện trong giao tiếp?
Theo nhà tâm lý học người Mỹ Marshall Rosenberg, lòng thấu cảm là lối giao tiếp với ngôn ngữ nhẹ nhàng và phi bạo lực được tượng trưng như một chú hươu cao cổ. Đó là con vật biểu trưng có lòng thấu cảm (empathy) và sự tỉnh thức (mindfulness). Góc nhìn này trái ngược với lối hành xử như một con sói: bạo lực, phán xét (judgemental), khiến người khác cảm thấy tội lỗi (guilt tripping), đổ lỗi (blaming), so sánh (comparing), công kích (attacking), đòi hỏi (demanding), muốn chế ngự (domineering)…
Lòng thấu cảm gồm có 4 thành tố cấu thành là:
- Quan sát (Observation): Nhìn nhận tình huống một cách đơn thuần, không phán xét, phân tích.
Ví dụ: Một công việc đội nhóm nhưng một đồng nghiệp nhanh nhảu “giúp bạn” báo cáo KPI cuối tháng với quản lý. Hãy cứ nhìn nhận là người ấy đang giúp đỡ bạn.
- Cảm nhận (Feelings): Tự cảm nhận những cảm xúc của chính mình (tự thấu cảm) và kết nối câu chuyện với cảm xúc thật của bản thân trong hiện tại và diễn đạt cảm nhận ấy với chủ ý xây dựng mối quan hệ. Cần làm rõ cảm nhận (feeling) và suy nghĩ (thinking), bởi vì với ý nghĩ về bản thân, bạn sẽ dễ nghĩ như một con sói với những suy nghĩ so sánh, đổ lỗi…
Ví dụ: Bạn cảm thấy không được tôn trọng công sức, và có cảm giác sếp đang nghĩ đồng nghiệp ấy một mình hoàn thành KPI. Hãy cảm nhận bạn đang cảm giác ra sao, vấn đề đang ở đâu. Tránh suy nghĩ như một con sói: Tại sao lại một mình báo cáo? Tôi và chị cùng làm, tôi làm phần khó hơn nhưng chị lại “hớt tay trên”?… Không so sánh, không đổ lỗi, không tiêu cực, hãy chỉ nêu cảm nhận và giải quyết vấn đề với ý nghĩ xây dựng.
- Nhu cầu (Needs): Bày tỏ điều mình thật sự cần hay mong muốn ngay lúc ấy với người đối diện. Nhiều người thường phải nói ra nhu cầu của mình với một năng lượng tiêu cực, và nhu cầu chỉ được nói ra khi cãi nhau, nhưng bạn hãy tĩnh lặng và nói ra nhu cầu của mình một cách tường minh, bình tâm nhất. Như vậy vấn đề sẽ được giải quyết rất nhanh chóng. Nghe với đôi tai của hươu cao cổ, là nghe ra những nhu cầu của người đối diện sau lớp vỏ bọc là những lời lẽ tiêu cực (toxic).
Ví dụ: Hãy từ tốn nói ra: “Em đang cảm thấy có vẻ như sếp đang hiểu lầm là em không có đóng góp trong dự án này, em biết là chị đang giúp đỡ em, những em nghĩ mình cần một báo cáo chi tiết hơn”.
- Đề nghị (Request): Đưa ra một yêu cầu giải quyết mong muốn hiện tại. Chú ý ngôn từ thẳng thắn không bó buộc, hăm dọa…
Ví dụ: “Em nghĩ mình nên có một cuộc họp để làm báo cáo, chị có rảnh đầu giờ chiều không chị?”.
Vì sao chốn văn phòng là nơi cần lòng thấu cảm nhất?
Chúng ta dành ⅓ cuộc đời cho chốn văn phòng, vì vậy bạn rất cần một nơi mình có thể cảm thấy thoải mái, nhiều năng lượng tích cực và nhất là một nơi tồn tại “lòng thấu cảm”.
Kết nối với mọi người, kết nối với bản thân.
Việc giao tiếp, kết nối với mọi người không chỉ là đáp lại những lời nói của người đối diện. Lắng nghe người đối diện chia sẻ câu chuyện bằng cả trái tim, giúp chúng ta không chỉ hiểu sâu về mong muốn của người đối diện mà còn là của chính bản thân. Bằng tất cả sự chân thành, trung thực từ bên trong, chúng ta thể hiện sự tôn trọng cũng như đồng cảm với người đối diện.
Quá trình giao tiếp với lòng thấu cảm rèn luyện cho chúng ta cách quan sát người khác và chính mình. Từ câu chuyện của người khác nhìn lại những gì chúng ta cũng đang có.
Thấu hiểu người khác, thấu hiểu bản thân
Thấu hiểu bản thân là khi chúng ta hiểu được điều thực sự chúng ta mong muốn là gì. Rồi hướng tâm sức, tập trung sự chú ý của bản thân để đạt được điều mà mình mong muốn.
Sự hòa ái trong giao tiếp giúp chúng ta dễ dàng hòa nhập vào câu chuyện của đối phương. Cùng họ tìm ra vấn đề và giải quyết nó một cách triệt để như cách mà chúng ta giải quyết vấn đề của bản thân.
Trong môi trường làm việc với nhiều khó khăn, áp lực lòng thấu cảm giúp kết nối những con người lại với nhau. Không chỉ cải thiện hiệu quả công việc hiện tại mà còn xây dựng một tập thể vững mạnh về lâu dài. Giúp cho công ty bước đà để phát triển bền vững trong tương lai.
Hãy nhìn đời như một chú hươu cao cổ, bạn có tin rằng trong mỗi chúng ta khi sinh ra đều mang trong mình hạt giống của tình yêu thương hay không? Thật khó để luyện tập lòng thấu cảm nếu bạn không có tình yêu thương và sự tích cực xuất phát từ trong bản ngã. Môi trường công sở nhiều va chạm và phàm những việc xoay quanh lợi ích dễ làm con người cãi nhau. Nhưng bạn hãy dừng lại và nhìn sự việc bằng đôi mắt của lòng thấu cảm, tin rằng bạn sẽ tìm thấy một môi trường công sở như ý. Muốn trải thảm cả thế giới, thôi thì bạn hãy tự mang giày trước!
Đọc thêm: Ăn đồ ngọt giảm stress: Thói quen sai lầm của dân văn phòng!
JobHopin Team