3 lãnh đạo công nghệ thuộc 3 lĩnh vực hoàn toàn khác nhau. Điểm chung kết nối họ là khả năng nắm bắt chính xác thời cơ xông pha ra quốc tế giữa đại dịch. Những nhà lãnh đạo công nghệ thời đại 4.0 sẽ học được gì từ những bước đi có phần mạo hiểm ấy?
Cùng điểm lại những chia sẻ đắt giá của 3 lãnh đạo trẻ: Kevin Tùng Nguyễn (Founder/CEO JobHopin), Phạm Tiến Hùng (Co-founder/CTO Eureka Robotics) và Phạm Nam Long (Founder/CEO Abivin) trong buổi CTO Talks: Vươn ra thế giới thế nào giữa đại dịch?
Nhu cầu chuyển đổi số trong đại dịch
“Trong vòng 10 năm tới, có ít nhất 40% doanh nghiệp sẽ biến mất nếu họ không thay đổi để thích ứng với công nghệ từ bây giờ.” – John Chambers, CISCO.
Đại dịch COVID-19 đã đem đến những thách thức mới, buộc các lãnh đạo công nghệ phải “chuyển mình” để kịp thời thích ứng. Song, trong thách thức tồn tại những cơ hội mới dành cho những người dũng cảm đương đầu. Chia sẻ về nhu cầu chuyển đổi số trong đại dịch, Phạm Tiến Hùng cho biết giải pháp của Eureka Robotics là tạo ra một hệ thống vận hành từ xa, giúp tự động hóa các quy trình vận hành và bảo dưỡng robot. Tưởng chừng chỉ là công nghệ sử dụng nội bộ, mô hình Eureka Robotics dần nhận được sự chú ý của các thị trường khó như Trung Quốc, Nhật Bản.
Ở mặt khác, nói về cách JobHopin tiếp cận thị trường nước ngoài trong đại dịch, Founder/CEO của startup nhân sự cho biết họ nắm bắt và tận dụng các thế mạnh từ những nền tảng mạng xã hội để quảng bá hình ảnh thương hiệu. Đề cập đến câu chuyện chuyển đổi sốtron, người dẫn đầu JobHopin cũng cho biết nhờ thích ứng nhanh với đại dịch, startup này đã dần quen với mô hình tuyển dụng, phỏng vấn trực tuyến mà không gặp quá nhiều khó khăn.
Hành trình xông pha ra quốc tế giữa đại dịch
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới, cả 3 doanh nghiệp JobHopin, Eureka Robotics và Abivin kháng cự như thế nào trước sức ép của các “ông lớn” nước ngoài. Chia sẻ kinh nghiệm thực chiến trong vai trò CTO, Phạm Nam Long cho biết sức ép mà Abivin gặp phải đến từ các công ty công nghệ Ấn Độ. Nơi có nguồn cung IT thuộc top thế giới với nhân sự dồi dào, giá thành cạnh tranh và chuyên môn đảm bảo. Do đó, để có thể cạnh tranh với thị trường quốc tế, phải tạo ra sản phẩm dựa trên chuẩn quốc tế dựa trên năng lực cốt lõi của doanh nghiệp.
Có cách tiếp cận khác hơn khi bàn về việc cạnh tranh với các đối thủ tầm cỡ, lãnh đạo Eureka Robotics cho biết chiến lược của anh là cạnh tranh không cạnh tranh. Giải thích lý do, Phạm Tiến Hùng cho biết trong lĩnh vực robotics tồn tại rất nhiều công ty với lịch sử thành lập từ 20-30 năm. Do đó, cách đối đầu thông minh nhất chính là trở thành đối tác của các đối thủ lớn này. Khi đã hợp tác thành công ở những thị trường khó, những đối thủ lớn, lấy chúng làm bàn đạp để vươn xa hơn.
Nhắc đến hành trình vươn ra biển lớn với tầm nhìn của một công ty SaaS (Software as a Service hay phần mềm dạng dịch vụ), CEO/Founder JobHopin nhấn mạnh các doanh nghiệp trước khi đưa ra giải pháp cho khách hàng, cần biết được “điểm đau” của họ nằm ở đâu. Giải pháp tốt chưa chắc đã toàn diện bằng một giải pháp phù hợp, đúng mục đích, đúng thời điểm.
“Khi bước ra thế giới, chúng ta phải có những giải pháp toàn cầu, linh hoạt và dễ tiếp cận với những thị trường khác nhau. Ngoài ra, phải đặc biệt quan tâm đến dịch vụ chăm sóc khách hàng, thấu hiểu ‘nỗi đau’ của doanh nghiệp để đưa ra những giải pháp triệt để chứ không chỉ là những vấn đề chung chung. Cuối cùng vẫn là yếu tố sản phẩm. Muốn có khách hàng quốc tế, doanh nghiệp Việt buộc phải có tư duy quốc tế, phải luôn trả lời câu hỏi: Tại sao công nghệ này bắt đầu hai năm trước thì quá sớm nhưng nếu hai năm nữa mới triển khai thì là quá muộn?” – Phạm Nam Long (Founder/CEO Abivin) chỉ ra ba yếu tố quan trọng mà các công ty công nghệ cần lưu ý khi tham gia vào cuộc chơi toàn cầu.
Xem thêm: CTO và CIO là gì? Cách phân biệt đơn giản và chính xác nhất
Muốn thành đại sự, phải trọng tiểu tiết
Đạt được thành công nhất định trên thương trường quốc tế, cả 3 lãnh đạo khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam trước khi rẽ hướng cần để tâm đến các vấn đề như thị trường và nguồn nhân lực.
Vấn đề về thị trường mà doanh nghiệp thường gặp phải đó là không nghiên cứu kỹ đã quyết định gọi vốn. Chia sẻ về kinh nghiệm gọi thành công 2,45 Triệu USD của mình, Kevin Tùng Nguyễn cho biết để được nhà đầu tư gật đầu, người gọi vốn phải định giá chính xác được thương hiệu của mình trên thị trường. Người dẫn đầu JobHopin cũng khuyến nghị hãy gọi vốn có chọn lọc, vì hầu hết những nhà đầu tư vốn lớn đều có tham vọng kiểm soát quyền điều hành của founder một khi họ đổ vốn thành công. Nếu cân nhắc kỹ lưỡng được hai sai sót thường gặp trên, các lãnh đạo doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ hạn chế được rủi ro khi kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài.
Xoay quanh câu chuyện nhân sự, có thể khẳng định vị thế của người Việt trên thị trường quốc tế đã khác xưa. Nhân sự công nghệ Việt Nam khi ra nước ngoài thường được đánh giá là cần cù, tư duy linh hoạt và ứng phó nhanh với nhiều tình huống. Các lãnh đạo đều chung quan điểm, để đạt được tốc độ phát triển vượt bậc như trên còn đến từ sự quan tâm, ủng hộ và khuyến khích phát triển của Chính phủ trong hơn 5 năm qua.
“Startup Việt Nam đang rất ‘hot’, được nhiều nhà đầu tư quốc tế quan tâm. Trong khu vực Đông Nam Á, chúng ta đứng thứ hai trên thị trường số hoá về tốc độ tăng trưởng. Không chỉ phát triển về nguồn cung tri thức mà hệ sinh thái công nghệ của chúng ta cũng phát triển cực thịnh, đặc biệt trong giai đoạn Covid-19 diễn ra.”
Câu chuyện về CTO và CEO trong công ty công nghệ cũng được bàn đến trong buổi tọa đàm. Kevin Tùng Nguyễn nhận định: “Lo nhất khi đưa ra ý kiến mà không nhận được phản hồi từ các C-Executive khác.” Cùng chung nhận định trên, cả hai nhà lãnh đạo còn lại cũng cho biết cả CTO và CEO cần có cùng một tầm nhìn chung là thúc đẩy doanh nghiệp. Do đó, tranh luận là điều cần thiết để tránh đưa ra những quyết định cảm tính dù đó là của CEO hay CTO.
Xem lại tọa đàm CTO Talks: Vươn ra thế giới thế nào giữa đại dịch? tại đây.
JobHopin Team