Nghỉ việc không đơn giản là quá trình chấm dứt công việc và mạnh dạn rời khỏi công ty mà chẳng cần đắn đo. Nghỉ việc văn minh là cả một nghệ thuật ứng xử đòi hỏi sự chuyên nghiệp, khéo léo như khi chúng ta đi tìm việc. Có những nhân viên mặc dù đã nghỉ từ rất lâu vẫn được sếp và đồng nghiệp cũ trân trọng, nhưng cũng có người lại chẳng mấy khi được nhắc đến. Đâu là yếu tố dẫn đến sự khác biệt? Đó chính là văn hóa nghỉ việc đúng mực của mỗi người.
Chia tay là chuyện… bình thường
Hầu hết mọi người đều thừa nhận là chốn công sở luôn có những câu chuyện rất vui, thế nhưng cũng tồn đọng mâu thuẫn, vấn đề khó giải quyết của nhân viên và cấp trên, hoặc giữa đồng nghiệp với nhau. Bên cạnh đó, sau một thời gian làm việc, tích lũy kinh nghiệm cần thiết, số người nhảy việc lại càng tăng cao bởi họ đã “tăm tia” được nơi nào đó tiềm năng, mới mẻ và trông “có vẻ” vui hơn nơi chốn hiện tại.
Tuy nhiên, vì lý do nào đi chăng nữa, bạn cũng cần có một lý do cụ thể. Nghỉ việc là khi không còn yêu thích công việc, không thể tiếp tục đi cùng nhau thì lặng lẽ chia tay trong lịch sự. Đừng viện lý do cho sự rời đi của mình, vì cấp trên và đồng nghiệp luôn là người hiểu rõ vấn đề của bạn nhất.
Xem thêm: Có nên nghỉ việc khi chưa có việc mới?
Hãy thẳng thắn
Quyết định nộp đơn đồng nghĩa bạn đang dần bước chân ra khỏi công ty. Do đó, hãy chắc chắn sự rời đi của mình xuất phát từ những lý do đúng đắn. Có người ra đi chỉ vì một phút bốc đồng, nghỉ việc để tăng lương hoặc những áp lực mang tính thời điểm để rồi ngay sau đó lại cảm thấy hối hận với sự lựa chọn của mình. Để tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc, hãy dành vài ngày để tĩnh tâm suy nghĩ. Lúc này, tâm sự với đồng nghiệp thân thiết cũng là một sự lựa chọn đúng đắn, hoặc một buổi trò chuyện thẳng thắng với cấp trên có thể nhanh chóng giúp bạn giải quyết mọi vấn đề.
Nghỉ việc văn minh là nói không với các yếu tố bất ngờ
Nếu bạn không thể tiếp tục công việc, hãy dành ít nhất 1 tháng trước khi xin nghỉ để “người ở lại” có đủ thời gian để tìm kiếm nhân sự thay thế. Đặc biệt, đừng nói dối hay bao biện lý do cho sự rời đi đột ngột của mình. Hãy lựa chọn cho mình một khoảng thời gian phù hợp để nghỉ việc, tránh những thời điểm công ty đang gặp khó khăn, cấp trên có khả năng sẽ hiểu lầm rằng bạn đang “đứng núi này trông núi nọ”, dù sự thật chưa chắc đã là như thế.
Bàn giao công việc với người kế nhiệm
Làm tròn trách nhiệm trước khi nghỉ sẽ giúp bạn cảm thấy thanh thản và nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Để tránh làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc chung, bạn nên bàn giao tất cả thông tin cần thiết và chi tiết công việc cho người kế nhiệm. Trong trường hợp này, một bản thống kê cụ thể sẽ là giải pháp hữu dụng.
Thế giới vốn dĩ rất tròn và nhỏ bé, rời đi chốn văn phòng quen thuộc, bạn hoàn toàn có khả năng sẽ gặp lại sếp và đồng nghiệp ở nơi khác, hoặc trong một tình huống nào đó mà chính bản thân cũng không ngờ tới. Vì thế, hãy nghỉ việc có văn hóa và cư xử lịch thiệp trước khi quyết định rời khỏi vị trí của mình.
Tránh xa tâm lý “bầy đàn”
Đây là một trạng thái tâm lý tương đối phổ biến của những người đã nghỉ việc. Trong trường hợp này, họ tự xem mình là những con thú bị thương từ những tiêu cực và vấn đề phát sinh trong lúc làm việc. Điều này không chỉ ảnh hưởng tâm lý của bản thân mà còn gây nên những tác động thiếu tích cực đến đồng nghiệp, công ty cũ.
Chuyên nghiệp đến giây phút cuối cùng
Thay vì nghĩ rằng đằng nào mình cũng nghỉ việc, không cần phải tích cực nữa vì chẳng ai công nhận điều này, hãy tận tâm làm tròn nhiệm vụ cho đến ngày nào bạn còn nhận lương. Bạn nên trò chuyện, chia sẻ với đồng nghiệp. Điều này đầu tiên sẽ giúp bạn tránh khỏi những thị phi không cần thiết, thứ hai là thể hiện được kỹ năng chuyên nghiệp của chính mình trên con đường sự nghiệp cả đời.
Dù từ bỏ công việc hiện tại là một chuyện khó khăn nhất mà bạn phải làm, nghỉ việc trong văn minh cũng là một chuyện cần để tránh những hệ lụy về sau. Kể cả khi bạn đã rời bỏ công việc, hãy để mọi người luôn nhớ về mình với một sự quý mến và tôn trọng.
JobHopin Team