Home Sự nghiệp Giải mã ngành Chuyện kinh doanh mùa Covid 19: Những con số biết nói

Chuyện kinh doanh mùa Covid 19: Những con số biết nói

kinh-te-covid19-jobhop

Những tháng đầu năm 2020 nền kinh tế, xã hội toàn thế giới đang phải lao đao dưới sự tác động của “bóng ma Covid 19”.

Đối với kinh tế thế giới, đầu tháng 4/2020, nhiều tổ chức quốc tế đã có những phân tích, cập nhật đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 và xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2020. Theo kịch bản cơ sở của Citi Research (công bố ngày 7/4/2020), kinh tế thế giới sẽ suy thoái, tăng trưởng -2,3% năm 2020 (so với mức tăng trưởng 2,6% năm 2019, suy thoái hơn mức -1,7% năm 2009).

Riêng tại Việt Nam, theo một báo cáo của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân, 74% doanh nghiệp sẽ không thể cầm cự nếu Covid-19 kéo dài 6 tháng.

Trong bức tranh ảm đạm chung của nền kinh tế, các ngành kinh doanh khác nhau cũng đã đối mặt với những biến động. Ai dễ bị tổn thương, ai đã được hưởng lợi? Hãy cùng điểm qua các thông tin thị trường nổi bật:

Các mô hình F&B: Từ lao đao tuột dốc đến nỗ lực “sống chung với lũ”

F&B là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất dưới tác động của dịch bệnh. Tới nay, nước ta vẫn chưa có thống kê thiệt hại cụ thể của ngành F&B. Nhưng, một khảo sát của Ban Nghiên cứu và Phát triển Kinh tế vào tháng 3 được thực hiện trên hơn 1.200 đơn vị cho biết ngành ăn uống thuộc nhóm chịu tác động tức thì của Covid19. Theo đó, 88% người tham gia khảo sát cho biết họ hạn chế lui tới các địa điểm công cộng. Số lượng thực khách tới các hàng quán giảm 30-50%. Thay vào đó, người tiêu dùng có xu hướng ưa chuộng các mặt hàng tăng cường dinh dưỡng (69%) và thực phẩm chức năng (51%).
Một vài con số biết nói khác gồm:

  • Tăng trưởng hai tháng đầu năm của dịch vụ ăn uống chỉ đạt 1.7 %. Trong khi đó, ở cùng kỳ năm ngoái, hai dịch vụ này có mức tăng trưởng là trên 10%.
  • Trong tháng 2, 10% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô.
  • Trong quý I/2020, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

fb-kinh-doanh-covid19-jobhop

Để hạn chế tối đa những thiệt hại, các mô hình kinh doanh F&B đã và đang dần nỗ lực chuyển mình để có thể vượt qua được khó khăn. Hàng hoạt thương hiệu, chủ sở hữu kinh doanh ăn uống đẩy mạnh mô hình giao hàng tận nơi, tung ra các khuyến mãi kèm theo các biện pháp đồng bộ: phục vụ tại nhà, chuyển đổi mô hình lấy bếp làm trung tâm…

Đánh giá về bước chuyển đổi này, các chuyên gia nhận thấy người dân đã đón nhận một rất nhiệt tình. Dẫu vậy, doanh thu đến từ giao hàng vẫn khó có thể bù đắp lại những tổn thất do chịu chi phí mặt bằng cao cộng thêm với thiệt hại do lượng khách đến quán sụt giảm.

Từ góc độ “trong nguy cơ cơ“, dịch bệnh này có thể đã mở ra những thói quen mới trong tiêu dùng thực phẩm của người dân. Các doanh nghiệp cần nhanh chóng nắm bắt thị hiếu, điều chỉnh mô hình cho phù hợp, vượt qua thời kì khó khăn và tiếp tục phát triển.

Ngành du lịch: Tìm cách “ngủ đông hiệu quả”

Có thể nói, ngành du lịch là ngành chịu tác động nghiêm trọng nhất do lượng du khách từ nước ngoài, cũng như du lịch nội địa đã bị hạn chế do lo ngại sự lây lan của dịch Covid 19.
Theo Tổng cục Du lịch, ngành du lịch Việt Nam ước tính sẽ thiệt hại trong “khoảng từ 6 – 7 tỉ USD” trong 2 quý đầu năm bởi riêng du khách Trung Quốc sẽ giảm 90 – 100%. Bên cạnh việc sụt giảm hoàn toàn khách Trung Quốc, theo ước tính của các cơ quan chức năng, số lượng khách du lịch từ các quốc gia khác nhập cảnh vào Việt Nam cũng sẽ giảm mạnh, khoảng 50% – 60% trong giai đoạn có dịch.

du-lich-covid19-jobhop

Tuy nhiên, con số thiệt hại ước tính trên mới chủ yếu dựa trên những dự báo về số liệu thiếu hụt khách nhân với mức chi tiêu bình quân, chứ chưa tính đến thiệt hại từ việc “kiệt sức” của các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch- những đối tượng chịu tác động mạnh nhất, lớn nhất hiện nay. Đó là các doanh nghiệp lữ hành, các công ty đầu tư hệ thống hạ tầng du lịch (cơ sở lưu trú như các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, hệ thống dịch vụ nhà hàng, khu vui chơi giải trí,…).

Đồng thời, ngành du lịch có tác động đa ngành, nên nếu du lịch “hắt hơi” thì các lĩnh vực khác sẽ “sổ mũi” theo. Chúng ta sẽ không thể tính được tất cả những thiệt hại của ngành du lịch nhưng chắc chắn sẽ vượt hơn nhiều con số 7 tỉ USD mà Tổng cục Du lịch ước tính.

Trước tình trạng trên, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, dịch vụ lưu trú… buộc phải tìm ra cách “ngủ đông”hiệu quả. Tuy nhiên, những bộ phận về chiến lược, nghiên cứu thị trường, tài chính, kế toán; bộ phận nhân sự cần chuẩn bị những kế hoạch hiệu quả để có thể đưa doanh nghiệp hoạt động tốt trở lại sau khi dịch bệnh đi qua.

Ngành hàng không: Chống dịch bằng chiến lược “bó đũa”

Theo phân tích của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) vừa công bố về những thiệt hại mà các hãng hàng không trên toàn thế giới có thể phải gánh chịu trong năm 2020 này do tác động của dịch Covid 19: nhu cầu cả năm của ngành hàng không thế giới sẽ giảm 38% và doanh thu hành khách cả năm giảm 252 tỉ USD so với năm 2019. Ngành hàng không đã ghi nhận những chuyến bay chỉ có một vài khách hàng và nhu cầu giảm sẽ xuống đến mức sâu nhất trong quý 2, với mức giảm 71%. Đây là một khủng hoảng chưa từng có tiền lệ trong lịch sử; kéo theo những tác động tiêu cực lên nhiều mặt khách của ngành kinh tế.

hang-khong-kinh-doanh-covid19-jobhop

Riêng ở Việt Nam, Báo cáo gửi Thủ tướng mới đây của Bộ GTVT ước tính thiệt hại ban đầu do dịch Covid-19 gây ra đối với các hãng hàng không trong nước là khoảng hơn 30.000 tỉ đồng. Việc dừng khai thác toàn bộ đường bay quốc tế và hạn chế tối đa đường bay, tần suất bay nội địa giúp các hãng hàng không giảm lỗ nhưng không thể thoát khỏi loạt chi phí lên tới hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng để duy trì hoạt động như thuê (hoặc mua) máy bay, tiền thuê sân đỗ, tiền lương nhân công, chi phí bảo dưỡng, bảo trì…

Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines được đánh giá là chịu thiệt hại nặng nề nhất với hơn 100 máy bay tạm dừng khai thác. Tổng giám đốc Vietnam Airlines- ông Dương Trí Thành cho biết với lịch bay và tình hình diễn biến dịch Covid 19 như hiện nay, dự kiến năm 2020, Vietnam Airlines sẽ giảm tải cung ứng khoảng 60%; doanh thu giảm 50.000 tỉ đồng, tương đương giảm 65% so với kế hoạch.

Để giảm tối đa thiệt hại cho doanh nghiệp, Vietnam Airlines kiến nghị Chính phủ, các cơ quan bộ, ngành và Cục Hàng không giảm 50% phí hạ, cất cánh, điều hành bay trong thời gian dịch bệnh đối với các hãng hàng không. Đồng thời miễn, hoặc giãn thuế nhập khẩu đối với nhiên liệu máy bay, tăng hạn mức tín dụng ngắn hạn…

hang-khong-covid19-jobhop

Để khắc phục thiệt hại của do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, các hãng hàng không đã triển khai nhiều kế hoạch: tập trung vào việc thu hẹp quy mô kinh doanh khi tạm dừng khai thác tất cả đường bay quốc tế; giảm tần suất các đường bay nội địa do lượng khách du lịch giảm và để thực hiện chính sách “cách ly xã hội” của Chính phủ…

Đến nay, có 1.400 tiếp viên của Vietnam Airlines xin hoãn hợp đồng trong tháng 3, 4, 5, chiếm gần 50% tổng đoàn tiếp viên. Đây chỉ là con số nghỉ tạm thời chờ diễn biến dịch chứ hãng sẽ không sa thải bất cứ ai lúc khó khăn này.

Ngoài số tạm nghỉ, nhiều tiếp viên làm toàn thời gian nhưng tình nguyện không nhận lương chức danh (mức lương này chiếm 1/4 thu nhập, khoảng 7-8 triệu đồng một tháng). Thậm chí lãnh đạo cấp cao cũng đang cơ cấu lại lương tạm thời để hạn chế tối đa chi phí. Đại diện Vietnam Airlines cho biết, sự tự nguyện này được xem như tinh thần “sức mạnh bó đũa”, là động lực giúp hãng vượt qua khó khăn.

Cùng với các giải pháp tồn tại trong mùa dịch, Vietnam Airlines và các hãng hàng không khác đã xây dựng và chuẩn bị các kịch bản phục hồi sau khi dịch được dập tắt. Đây cũng là thời điểm các để hãng bay có thể nghiên cứu thêm về các đường bay mới sau dịch.

Ngành tiêu dùng nhanh: Đưa hàng từ kệ lên internet để chống dịch

Dịch bệnh bùng phát và lan rộng đã làm thay đổi hành vi mua hàng của khách hàng. Người dân hạn chế đến những nơi đông người như chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm mua sắm hơn và có xu hướng tìm mua các mặt hàng tiêu dùng trên internet.

di-cho-covid19-jobhop

Nắm bắt nhanh được tình hình, từ các ông lớn ngành tiêu dùng nhanh tới các hãng vận chuyển đều có động thái nhanh chóng đưa ra kế hoạch chuyển mình, hợp tác đa bên để vượt qua khủng hoảng: Grab đã nhanh chóng triển khai tính năng Grab Mart tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, theo đó, hãng sẽ liên kết với các siêu thị, cửa hàng thực phẩm để hỗ trợ nhu cầu mua sắm thiết yếu của người dân trong mùa dịch; Các hệ thống siêu thị lớn như Vinmart, Lotte Mart, Big C… đều đẩy mạnh bán hàng trực tuyến.

“Vaccin” nào cứu doanh nghiệp khỏi “bóng ma” Covid 19

Có thể khẳng định, để các doanh nghiệp muốn vượt qua thời gian khó khăn này thì cần các biện pháp đồng bộ phối hợp với nhau. Doanh nghiệp lúc này gặp khó khăn chính về thị trường kéo theo các khó khăn về vốn, áp lực thuế… Muốn vượt qua khủng hoảng, yếu tố con người đóng vai trò chủ chốt, việc giữ người tài ra sao, đưa ra chính sách gì đối với nhân viên lúc này như thế nào để vừa cắt giảm được áp lực tài chính, vừa giữ chân được người tài và tuyển dụng bổ sung nhân sự để có động lực phát triển trở lại sau khi khủng hoảng đi qua cũng là một bài toán mà các doanh nghiệp phải đau đầu suy tính.

kinh-te-hau-covid19-jobhop

Việc kết hợp các yếu tố khách quan: sự hỗ trợ từ Chính phủ, đối tác… nhuẫn nhuyễn với các yếu tố chủ quan: sự vận động từ chính doanh nghiệp với những chiến lực hiệu quả… với chính là liều “vaccin” hiệu quả đưa doanh nghiệp khỏi sự bao trùm của “bóng ma” Covid 19.

Dịch Covid 19 đã mở ra một tiền đề để các mô hình kinh doanh chuyển mình, áp dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh, quản lí doanh nghiệp đồng thời thúc đẩy sự thay đổi tích cực trong hành vi mua sắm của người dân từ mua sắm trực tiếp, sử dụng tiền mặt sang mua sắm trực tuyến, thực hiện các giao dịch điện tử… Nếu tận dụng tốt cơ hội này để thay đổi, các công ty sẽ tồn tại qua đại dịch và có những bước nhảy đột phá sau khi khủng hoảng đi qua.