Bạn yêu thích công việc và muốn học truyền thông? Hãy tránh ngay 5 suy nghĩ sai lầm dưới đây để có thể hiểu chính xác hơn về ngành học thú vị này.
Người làm truyền thông luôn nói quá sự thật?
Bản thân bạn thấy những quảng cáo, những thông điệp truyền thông thật tầm phào và chẳng đúng sự thật chút nào? Những nhận định hay cảm giác đó không sai nhưng không hoàn toàn chính xác khi nói về các hoạt động truyền thông.
Bạn hãy nhớ lại những câu chuyện ông bà, bố mẹ kể bạn nghe khi bạn còn nhỏ để chỉ dạy bạn về một điều gì đó. Hãy nghĩ đến việc bạn đã băn khoăn như thế nào để bày tỏ cho ai đó biết bạn quý mến họ ra sao. Hãy nghĩ đến những điều bạn muốn nói để “làm cho ra nhẽ” với những người nói xấu sau lưng bạn.
Những việc đó không hề dễ dàng nhưng sẽ rất “cool” nếu mọi người hiểu được suy nghĩ và những thông điệp bạn muốn gửi gắm? Vì truyền thông, đơn giản là gửi đúng thông điệp đến đúng người vào đúng thời điểm bằng những cách thức phù hợp để giúp mọi người hiểu nhau hơn mà thôi. Bạn nhìn xem, “nói láo, nói phét, nói quá” sẽ tồn tại được bao lâu?
Ít nói, viết không hay không làm được nghề truyền thông?
Truyền thông, đơn giản là gửi đúng thông điệp đến đúng người vào đúng thời điểm bằng những cách thức phù hợp để giúp mọi người hiểu nhau hơn
Bạn nghĩ rằng người làm truyền thông phải là những người giỏi giao tiếp và có thể nói liên hồi không ngừng nghỉ? Hoặc “nhả ra thơ, thở ra văn”? Một số vị trí trong ngành truyền thông đòi hỏi những tố chất đó nhưng không phải tất cả. Những người ít nói, viết lách ít bay bổng, thường lẳng lặng lắng nghe, quan sát, phân tích, đánh giá vấn đề sẽ phát huy năng lực ở vị trí nghiên cứu, lập kế hoạch truyền thông chiến lược.
Những người ít nói nhưng nghĩ nhiều, mỗi lần nói ra điều gì đó đều khiến mọi người ngạc nhiên, bật cười sẽ là lựa chọn tối ưu cho vị trí sáng tạo nội dung. Chỉ cần bạn có mong muốn được chia sẻ, thấu hiểu và không quá e dè, nhút nhát, bạn hoàn toàn có thể thử sức trong ngành này.
Làm truyền thông là ngày ngày đi “chạy” sự kiện?
Tổ chức sự kiện là một lĩnh vực sôi động và dễ nhận biết nhất của ngành truyền thông tại Việt Nam. Các bạn học sinh năng động cũng dễ dàng có được cơ hội tham gia vào công việc này trong các sự kiện của trường, lớp hay câu lạc bộ, hội nhóm, thậm chí trong gia đình.
Nhưng tổ chức sự kiện chỉ là một phần của ngành truyền thông bên cạnh rất nhiều hoạt động khác như lập kế hoạch truyền thông, nghiên cứu thông tin và công chúng, xây dựng nội dung cho các ấn phẩm truyền thông, quản trị các kênh truyền thông như báo đài, mạng xã hội…
Trong một buổi tư vấn hướng nghiệp, cô Lê Linh, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ đã gặp không dưới 5 lần các bạn học sinh THPT nhắc đến ngành truyền thông nhưng đánh đồng với “ngành tổ chức sự kiện”. Nếu bạn chưa từng tổ chức sự kiện hay cảm thấy mình không thực sự yêu thích việc tổ chức sự kiện, hãy tiếp tục tìm hiểu, ngành truyền thông còn rất nhiều cơ hội khác dành cho bạn.
Xây dựng thương hiệu cá nhân có nghĩa là đánh bóng hình ảnh của mình?
Truyền thông chuyên nghiệp sẽ dạy cho bạn rằng những việc kia có thể “giúp” bạn lọt vào tầm ngắm của cư dân mạng trong ngắn hạn.
Khi nói đến thuật ngữ “xây dựng thương hiệu cá nhân” (personal branding), có thể bạn sẽ nghĩ tới những bức ảnh long lanh được chỉnh sửa kĩ càng trên mạng xã hội, những bài báo tung hô có phần thái quá, những check-in tại các địa điểm, sự kiện sang chảnh, những nỗ lực xuất hiện vài giây bên cạnh những nhân vật quan trọng (VIP) hay làm những điều kì quái, điên rồ để được chú ý…
Truyền thông chuyên nghiệp sẽ dạy cho bạn rằng những việc kia có thể “giúp” bạn lọt vào tầm ngắm của cư dân mạng trong ngắn hạn. Một cách đơn giản, xây dựng thương hiệu cá nhân thực chất là quá trình bạn nhận ra năng lực khác biệt của bản thân, có chiến lược sáng tạo để hoàn thiện và thể hiện bản thân thật hiệu quả. Nói cách khác, bạn không đánh bóng hình ảnh bản thân, bạn hành động để thế giới biết bạn là ai và bạn sẽ thay đổi được điều gì.
Muốn làm truyền thông tốt, phải học ở nước ngoài?
Không thể phủ nhận ngành truyền thông tại Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng từ các nước phát triển như Mỹ, Anh, Úc,… nhưng văn hoá, xã hội có những đặc thù mà người làm truyền thông phải cực kỳ am hiểu.
Theo Ông Lê Quốc Vinh, CEO tập đoàn truyền thông Lê, “Đối với các ngành khoa học xã hội, đặc biệt là truyền thông, báo chí,…chưa chắc học ở nước ngoài đã hay hơn do các ngành này đòi hỏi người làm việc phải rất am hiểu môi trường văn hóa, chính trị mà mình đang tác nghiệp“.
Đây cũng là lý do vì sao ông Vinh định hướng cậu con trai tốt nghiệp THPT ở Úc trở về học ngành truyền thông tại Việt Nam: “Học đại học ở nước ngoài đồng nghĩa với việc con tôi sẽ mất 4 năm xa rời thực tế môi trường làm việc của con sau này. Học ở trong nước, con có điều kiện vừa học vừa thực tập, được nhào nặn trong môi trường làm việc thực tế, được tham gia các chương trình đào tạo ngắn hạn khác nhau”.
Bạn có khá nhiều lựa chọn học truyền thông trong nước như chuyên ngành PR, quảng cáo, báo chí tại Học viện Báo chí và Tuyền truyền, Đại học KHXH&NV, Đại học Hoà Bình, Đại học Nguyễn Trãi,…
Ngoài ra, nếu muốn trải nghiệm môi trường học tập quốc tế trong khi vẫn bám sát thực tế trong nước bạn có thể chọn học ngành Truyền thông chuyên nghiệp của Đại học RMIT hoặc Chương trình Cử nhân quốc tế Quảng cáo, PR và Truyền thông của Đại học Middlesex (Vương quốc Anh) tại Học viện Báo chí và Tuyền truyền. Đó là một số gợi ý cho bạn.
Chỉ cần tránh 5 suy nghĩ sai lầm đó, bạn đã có thể hiểu chính xác hơn về ngành học thú vị này rồi đấy! Đừng quên ghé thăm chuyên mục Kỹ năng làm việc của JobHop để cập nhật các hướng dẫn trong công việc hiệu quả.
Nguồn: kenh14.vn