Để đảm bảo tối đa tính chuyên nghiệp, các công ty đều hình thành quy định chung về giao tiếp ứng xử nơi công sở. Tuy vậy, khi nói đến chuyện giao tiếp, khó lòng ngăn cản nhân viên của mình trò chuyện hay chia sẻ, miễn là nó không ảnh hưởng đến công việc. Hầu hết, các nguyên tắc khi giao tiếp ứng xử nơi công sở đều được mọi người hiểu ngầm. Vậy, bạn đã thuộc nằm lòng 5 nguyên tắc vàng để tránh bị “hố” khi nói chuyện cùng đồng nghiệp chưa?
Chú ý cách ứng xử giao tiếp với cấp trên
Để được tin tưởng và tín nhiệm, khi giao tiếp và ứng xử với cấp trên bạn phải thật khéo léo và bình tĩnh. Đôi lúc giữa bạn và những người lãnh đạo sẽ xảy ra bất đồng quan điểm, cách xử trí tốt nhất là nói chuyện trực tiếp một cách thẳng thắn nhưng vẫn giữ thái độ đúng mực nhất với sếp. Đặc biệt chú ý, khi trình bày quan điểm hoặc ý tưởng cho cấp trên, hãy nói thật rõ ràng, chậm rãi.
Có thái độ tôn trọng đồng nghiệp
Dành phần lớn thời gian ở công ty, hơn ai khác, đồng nghiệp chính là những người sẽ cùng phát triển và hỗ trợ bạn trong công việc. Vì vậy khi làm việc, đừng đặt cái tôi quá cao hoặc có thái độ không cởi mở, tạo môi trường làm việc chan hòa và thân thiện hơn. Bạn cũng đừng quá tự ti với bản thân, có đồng nghiệp giỏi hơn mình là một điều tốt đấy. Học hỏi và giúp đỡ nhau để phát triển chính là cách học thông minh và nhanh tiếp thu nhất.
Đừng lơ là cấp dưới
Hãy thử ngẫm lại thời còn là nhân viên mới, bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu không nhận được sự quan tâm và xem trọng bởi các anh chị đi trước? Chắc hẳn sẽ rất buồn và tủi thân đúng không? Là những người đi trước, nhiệm vụ của bạn chính là tạo ra môi trường tích cực để các bạn trẻ hơn phát triển. Khác với thế hệ chúng ta, các bạn trẻ Gen Z bây giờ rất giỏi, tự tin, dám nghĩ, dám làm. Nếu biết cách tạo dựng mối quan hệ với họ, bạn sẽ có nhiều trợ thủ đắc lực cận kề hơn. Tuy nhiên, nên nhớ luôn có những quy định rõ ràng giữa việc làm và không nên làm để rèn luyện cho cấp dưới kỷ cương nhé.
Văn hóa sử dụng điện thoại
Sử dụng điện thoại trong giờ làm có thể không nói lên được năng suất làm việc của bạn. Tuy nhiên, sử dụng điện điện thoại trong các buổi họp phản ánh thái độ tôn trọng của bạn với đồng nghiệp. Trước khi bắt đầu ca làm, hãy tắt chuông hoặc chuyển điện thoại sang chế độ rung. Việc làm này tuy nhỏ nhưng nó giúp bạn lẫn đồng nghiệp có thể tập trung cao độ hơn.
Các chủ đề nên hạn chế đề cập đến trong giao tiếp ứng xử nơi công sở
Tôn giáo và Chính trị: Không thảo luận sâu về niềm tin tôn giáo, chính trị của bạn cũng như nuôi trong mình quan điểm tiêu cực về các tôn giáo, chính trị đối lập. Hãy tôn trọng đồng nghiệp của bạn cho dù họ có những suy nghĩ trái chiều với đức tin hay quan điểm của bạn. Cuối cùng, không ai muốn bị lôi kéo, giảng đạo về tôn giáo, chính trị trong lúc làm việc nên hãy hạn chế nhé. Vì hai chủ đề này có khả năng gây rạn nứt tình cảm của không chỉ đồng nghiệp mà còn gia đình và bạn bè nữa.
Đời sống cá nhân: Thảo luận về những vấn đề bạn đang gặp phải với các thành viên trong gia đình có thể khiến đồng nghiệp lẫn sếp của bạn đắn đo liệu bạn có đang bị xao nhãng không? Có thể chúng chẳng ảnh hưởng mấy đến bạn, nhưng họ không nghĩ vậy đâu.
Sự nghiệp tương lai: Không có gì sai khi coi công việc hiện tại là bước đệm để tiến tới những điều to lớn và tốt đẹp hơn. Tuy nhiên thì bạn nên giữ những suy nghĩ đó cho riêng mình. Đừng nói về tham vọng của mình với bất cứ ai, đặc biệt khi giao tiếp ứng xử ở môi trường công sở. Sếp hoàn toàn có lý do để cân nhắc thái độ trung thành của bạn khi họ biết được chuyện này.
Vấn đề sức khỏe: Không, vấn đề sức khỏe của bạn không có gì là đáng xấu hổ cả. Bạn có toàn quyền quyết định việc cởi mở hay không về tình trạng sức khỏe của bản thân, tuy nhiên đừng chia sẻ quá sâu là được.
Vậy lần tới, nếu bạn có ý định “tán dóc” với đồng nghiệp, hãy cân nhắc những nguyên tắc JobHopin vừa nêu ở trên nhé. Bảo đảo 5 nguyên tắc vàng này sẽ giúp bạn đạt điểm 10 môn giao tiếp ứng xử nơi công sở đấy!
JobHopin Team