Rõ ràng, suy thoái kinh tế từ đại dịch COVID-19 là không thể tránh khỏi. Các doanh nghiệp trong và ngoài nước đều phải đối mặt với vô vàn thách thức về nhân sự, sản xuất, vận hành, kêu gọi đầu tư… và chắc chắn doanh nghiệp của bạn cũng không phải ngoại lệ. Thế nhưng, những nhà lãnh đạo giỏi luôn biết cách tận dụng cơ hội, biến nguy thành cơ ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất.
Bạn hoàn toàn có thể xem xét đến những khía cạnh tích cực hơn. Đây chính là thời điểm lý tưởng để bạn tập trung củng cố bộ máy và cải thiện quy trình vận hành của doanh nghiệp.
Tất nhiên không có một công thức chung nào cho việc này, và không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ thời gian hay nguồn lực để tiến hành đổi mới vào lúc này. Tuy nhiên, hãy cân nhắc 5 lời khuyên dưới đây.
Bài viết liên quan:
- Định hướng và phát triển sự nghiệp dành cho tài năng trẻ thời đại 4.0
- Đi bộ mỗi ngày tăng khả năng sáng tạo lên đến 60%
Tinh chỉnh các quy trình nội bộ
Do nhu cầu đối với sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn có phần giảm vì COVID, có lẽ bạn đang không quá bận rộn trong guồng công việc. Hãy tận dụng cơ hội này và dành thời gian để tìm kiếm, khắc phục những vấn đề như:
- Quy trình làm việc cồng kềnh, kém hiệu quả
- Hoạt động chậm chạp do các đầu việc không được đồng bộ và quản lý dự án kém
- Chồng chéo và dư thừa về các loại chi phí, chức năng công việc và cơ cấu tổ chức
- Giao tiếp thiếu ăn ý – cả trong nội bộ và khi đối ngoại
- Lúng túng khi tích hợp công nghệ
Để có thể tìm kiếm, xác định và cải thiện từng vấn đề, bạn nên quan sát và trao đổi với các cấp quản lý và nhân viên trong công ty. Việc tinh chỉnh bộ máy sẽ giúp doanh nghiệp của bạn hoạt động trơn tru hơn và giảm thiểu những hao phí về nguồn lực.
Nghiên cứu thị trường
Đây là thời điểm lý tưởng để bạn nghiên cứu sâu hơn về thị trường. So với kế hoạch kinh doanh ban đầu của bạn, có thể thị trường giờ đã thay đổi rất nhiều.
- Tìm hiểu về các đối thủ cạnh tranh. Hãy xem họ đã và đang làm gì.
- Học hỏi từ những người đi trước. Hãy nghiên cứu xem các công ty từng đối mặt với những thách thức tương tự như của bạn đã làm thế nào để tận dụng cơ hội bứt phá và thành công hơn nữa.
- Quan sát các xu hướng sắp tới. Điều gì đang xảy ra trong ngành của bạn và điều gì được dự đoán sẽ xảy ra trong tương lai gần? Làm thế nào bạn có thể tận dụng những điều đó?
- Nhìn lại những biến động gần đây. Điều gì đã xảy ra và điều gì sắp xảy ra trên thị trường mà bạn cần lưu ý để luôn bắt kịp xu hướng?
Thường xuyên cập nhật dữ liệu thị trường để sẵn sàng khởi động lại bất kỳ lúc nào. Với đầy đủ thông tin, kiến thức, bạn sẽ có thể đưa ra các quyết định nhanh chóng và sáng suốt khi nền kinh tế đang trên đà phát triển trở lại.
Chăm sóc tệp khách hàng hiện có
Khi kinh tế toàn cầu suy thoái và việc kinh doanh chậm lại, sẽ khó khăn và tốn kém hơn để tìm kiếm khách hàng mới.
Nghiên cứu chỉ ra rằng chi phí để có được một khách hàng mới cao gấp 5 lần so với việc duy trì một khách hàng hiện có. Bên cạnh đó, các chuyên gia nhận định mỗi khi tăng 5% tỷ lệ giữ chân khách hàng, doanh nghiệp sẽ có thêm 25% lợi nhuận.
Vì vậy, hãy tập trung chăm sóc và củng cố mối quan hệ với những khách hàng trung thành. Bạn có thể:
- Hỗ trợ khách hàng vượt qua khoảng thời gian khó khăn này bằng các chương trình khuyến mãi, ưu đãi
- Kết nối với khách hàng thông qua các hoạt động khảo sát, xin ý kiến và chia sẻ trải nghiệm
- Xây dựng nội dung phù hợp thông qua các cuộc phỏng vấn khách hàng
- Gặp gỡ trực tiếp với khách hàng để hiểu những nhu cầu hiện tại và tương lai của họ cũng như cách đáp ứng những nhu cầu đó
Cập nhật, nâng cấp sản phẩm – dịch vụ
Khi bạn đã hiểu rõ hơn về thị trường và nhu cầu của khách hàng, bạn có thể sử dụng thời gian và nguồn lực của mình để sáng tạo, bổ sung thêm các tính năng mới, phát triển hoặc đổi mới trong sản phẩm, dịch vụ của bạn.
Ví dụ:
- Xây dựng đội ngũ R&D để đưa ra những cải tiến mới dựa trên nhu cầu thị trường
- Tận dụng thế mạnh của đội ngũ nhân lực sẵn có, khuyến khích sự sáng tạo, đãi ngộ hợp lý nhằm giữ chân người tài gắn bó lâu dài.
- Hãy cố gắng hạn chế sa thải hàng loạt nhân viên vào lúc này, bởi khi doanh nghiệp của bạn dần hoạt động lại bình thường, bạn sẽ lãng phí rất nhiều chi phí và công sức để tuyển người mới.
Đào tạo, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ
Khi công việc có phần bị đình trệ và tinh thần nhân viên trở nên uể oải, mất phương hướng, hãy giữ chân người tài bằng cách khuyến khích họ dành thời gian học tập, trau dồi cả kiến thức chuyên môn lẫn kỹ năng nghiệp vụ. Nếu nguồn quỹ hoạt động của công ty chưa quá cạn kiệt, hãy cân nhắc đầu tư cho nhân viên của bạn bồi dưỡng nâng cao năng lực. Đây là khoản đầu tư sẽ mang lại cho bạn lợi ích lâu dài – một đội ngũ không chỉ giỏi về năng lực mà còn trung thành, gắn bó với công ty và với đồng nghiệp. Hãy tận dụng cơ hội này để củng cố tinh thần và nâng cao năng lực cho nhân viên, những người sẽ cùng bạn gây dựng lại công ty và bắt nhịp tăng trưởng hậu COVID.
>> Xem thêm: Tuyển dụng và giữ chân nhân tài giữa cơn bão “nhảy việc”
Phỏng dịch từ workable.com
The JobHopin team