Sau nhiều tháng gần như đóng băng vì COVID, các doanh nghiệp trên khắp cả nước đang nôn nóng khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời kỳ “bình thường mới”. Những lựa chọn mang tính chiến lược ở thời điểm này sẽ quyết định việc doanh nghiệp có thể khôi phục và bứt phá hay sẽ hoàn toàn tụt lại phía sau trên thương trường.
Ngày 28/10, JobHopin đã tổ chức sự kiện trực tuyến với chủ đề “Động lực và năng suất trên con đường trở lại Bình thường Mới”. Các doanh nhân, chuyên gia hàng đầu về chiến lược nhân sự đã cùng thảo luận và đưa ra các giải pháp thiết yếu cho các cá nhân, doanh nghiệp tự tin bước vào thời kỳ mới.
Tư duy sẵn sàng trước mọi biến động
Mặc dù COVID được coi là biến động lớn nhất của thế kỷ 21 tính đến thời điểm hiện tại, không ai có thể dự báo điều gì sẽ xảy đến trong tương lai. Theo chị Thái Vân Linh, nhà sáng lập kiêm CEO của TVL Group, chúng ta không nên quá bi quan trước những tác động của COVID. Với hơn 10 năm kinh nghiệm ở các công ty khởi nghiệp và 12 năm trong vai trò một nhà đầu tư, chị Thái Vân Linh cho rằng thay đổi là một phần tất yếu của cuộc sống.
Để tâm lý luôn vững vàng vượt qua mọi thách thức, chị Linh đặt ra cho mình ba tiêu chí:
- Thay vì nói “không”, hãy nói “chưa” – Sự khác biệt giữa một người thành công và một người bình thường nằm ở sức mạnh của từ “chưa”. Thay vì nói “tôi không biết”, “tôi không thể làm được”, hãy thay đổi góc nhìn và nói “tôi chưa biết, nhưng tôi sẽ làm được”. Tư duy sẵn sàng học hỏi và cải thiện bản thân là chìa khóa để chúng ta vượt qua thử thách.
- Sẵn sàng đón nhận mọi khả năng – Mỗi cá nhân hay doanh nghiệp chỉ có thể thành công nếu biết nắm bắt cơ hội. Kể cả khi đó là những tình huống xấu như bị sa thải hay từ bỏ một công việc tốt, ta vẫn có thể tìm được hướng đi để phát triển lâu dài và thậm chí mạnh mẽ hơn trước. Khả năng chấp nhận rủi ro và tư duy phản biện là rất cần thiết để phát huy tiềm năng của cá nhân, doanh nghiệp.
- Tìm ra thế mạnh riêng – “Khi bạn giỏi một điều gì đó, nó sẽ trở thành đam mê của bạn.” Ai cũng muốn tìm kiếm một niềm đam mê mang lại cho ta hạnh phúc, nhưng trên thực tế, đam mê chỉ tới khi ta tự học hỏi, rèn luyện, và trở nên giỏi giang ở một lĩnh vực nào đó.
“Hầu hết mọi người đánh giá quá cao những gì họ có thể làm trong một năm, nhưng lại đánh giá quá thấp những gì họ có thể làm trong mười năm.”
Chị Thái Vân Linh chia sẻ, những trở ngại trước mắt sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn nhiều nếu chúng ta có được tầm nhìn dài hạn, từng bước nỗ lực, và hiểu được giá trị nội tại trong chính mỗi người.
Tái định hình tương lai việc làm
Nhìn vào dòng người hối hả di chuyển trên các con phố của TPHCM, nhiều người có cảm giác cuộc sống đang dần trở lại nhịp sống bình thường như vốn có. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng COVID đã và đang làm thay đổi hoàn toàn tương lai của việc làm, từ tính chất công việc, cơ cấu lực lượng lao động, cho đến môi trường làm việc nơi công sở.
Theo diễn giả Veo Nguyễn – Giám đốc Tuyển dụng Toàn quốc tại Techcombank, các nhà quản lý cần đánh giá toàn diện và hoạch định lại chiến lược phát triển để có thể thích ứng trong thời kỳ mới.
- Sau khi khủng hoảng đã nằm trong tầm kiểm soát, việc đầu tiên các nhà lãnh đạo cần làm là nhận định lại về thiết kế công việc. Chắc chắn nhiều doanh nghiệp sẽ phải thay đổi cấu trúc đội ngũ để thích ứng với những nhu cầu mới của khách hàng. Các công cụ phân tích dữ liệu sẽ giúp doanh nghiệp hiểu hơn về nhu cầu hiện tại và dự báo xu hướng tương lai, từ đó đưa ra những chính sách phù hợp. Chuyển đổi số là hướng đi tất yếu.
- Các doanh nghiệp cần chú trọng hơn đến phúc lợi nhân viên và nỗ lực duy trì sự kết nối trong nội bộ tổ chức, đặc biệt với những thành viên mới. Chiến lược quản trị con người và quản trị thay đổi sẽ là thành tố đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển chung của công ty. Để có thể chiêu mộ đúng người, đúng việc, doanh nghiệp cần xác định những kỹ năng nào sẽ đặc biệt cần thiết trong tương lai (ví dụ: công nghệ thông tin), và kỹ năng nào đã trở nên dư thừa, chủ động đưa ra những quyết định cắt giảm hay tuyển dụng đúng đắn.
- Ngoài ta, doanh nghiệp nên xem xét lại chiến lược sử dụng không gian văn phòng, thiết kế lại hoặc giảm bớt, thay đổi công năng sử dụng nếu cần thiết. Thay vì chỉ ứng phó với “bình thường mới” một cách tạm thời, hãy chủ động áp dụng những biện pháp đảm bảo an toàn dài hạn.
Tìm lại niềm hứng khởi
Dù hình thức làm việc từ xa đang trở nên phổ biến và được chấp nhận nhiều hơn, các khách mời cho rằng việc đưa nhân viên trở lại văn phòng vẫn vô cùng quan trọng. Hình thức làm việc trực tiếp giúp mang lại sự gắn kết giữa người với người và cho phép đội ngũ tương tác, hỗ trợ lẫn nhau khăng khít.
Chị Zoee Nguyễn, Giám đốc Trải nghiệm Thành viên tại Dreamplex nhận xét, tùy theo tính chất của mỗi công việc, nhân sự sẽ lựa chọn làm việc ở văn phòng 50%, 70%, hay làm việc hoàn toàn từ xa. Mặc dù văn phòng không còn là nơi mỗi người buộc phải xuất hiện hàng ngày để báo cáo hay kiểm tra, đa số chúng ta vẫn cần một nơi để giao tiếp, hợp tác một cách gần gũi và duy trì các mối quan hệ.
Trong tương lai, công ty sẽ phát triển đồng thời cả hai mảng trải nghiệm trực tiếp và trải nghiệm trực tuyến sao cho đảm bảo sức khỏe tinh thần cho nhân viên, tăng cường sự gắn kết trong tổ chức, cũng như linh động đối phó với mọi thay đổi từ COVID. An toàn nhưng vẫn năng động, sáng tạo và tràn đầy hứng khởi – đây sẽ là từ khóa mà các doanh nghiệp hướng tới. Tuy nhiên, tinh thần hay thái độ tích cực trước hết phải đến từ vị trí nhà lãnh đạo.
Có thể thấy, mấu chốt trong việc khôi phục đà tăng trưởng hậu COVID chính là gắn kết, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực. Một đội ngũ không chỉ giỏi về năng lực mà còn gắn bó, tâm huyết với công ty sẽ là tài sản vô giá để doanh nghiệp bắt nhịp tăng trưởng hậu khủng hoảng.
The JobHopin team