Nhân sự là công việc về con người với mục đích chính là đảm bảo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp. Để có cái nhìn rõ nét hơn về lĩnh vực quản trị nhân sự và tuyển dụng, chúng tôi đã có một buổi phỏng vấn ngắn với chị Vân Phan – Head of Talents tại JobHopin để đi sâu tìm hiểu về ngành nghề.
Covid-19 xuất hiện mang đến khó khăn và thử thách cho ngành nhân sự, nhưng liệu đây có phải là cơ hội?
Trong thời gian qua, JobHopin đã tận dụng thời gian để tích cực xây dựng và hoàn thiện sản phẩm của mình. Đồng thời, mở rộng hệ thống nhân sự để chuẩn bị sẵn sàng cho sóng ngầm tuyển dụng sau khi mùa dịch qua đi. Thị trường lao động trong giai đoạn này vẫn rất chất lượng do có nhiều nhân sự tài giỏi nhưng không may bị mất việc do Covid-19.
Hơn nữa, việc áp dụng Trí tuệ nhân tạo AI đã giúp JobHopin biết được người nào đang có nhu cầu tìm việc, gia tăng mức độ nhanh nhạy khi tiếp cận nguồn ứng viên. Vì thế nên tỷ lệ kết nối thành công nhà tuyển dụng và ứng viên tại JobHopin vẫn rất ổn định.
Sau Covid-19, nhu cầu tuyển dụng tăng cao, tuy nhiên doanh nghiệp lại gặp khó khăn về ngân sách, JobHopin đã có giải pháp cụ thể nào cho vấn đề này?
Covid-19 đã tạo ra những tác động tiêu cực đến doanh nghiệp tại Việt Nam và toàn thế giới. Hiểu được nỗi khó khăn trong việc tìm kiếm nhân sự phù hợp của các công ty trong thời điểm hiện tại, chương trình Vượt Qua Covid-19, trợ vốn tuyển dụng 3 tỷ cho 3,000 doanh nghiệp là hoạt động quan trọng của JobHopin trong giai đoạn này.
Mong muốn của JobHopin là mang đến những hỗ trợ thiết thực, đồng hành cùng công ty và người tìm việc khắp cả nước, giúp đỡ người lao động có được việc làm và các công ty vượt qua Covid-19 một cách an toàn. Để kịp thời phản ứng trước những tình huống bất ngờ, các nhân viên tại JobHopin đang áp dụng Wartime, đi làm thêm vào ngày thứ 7 trong vòng 2 tháng để nâng cao tốc độ và tối đa năng suất làm việc.
Theo chị chia sẻ, Wartime đồng nghĩa với việc đi làm vào ngày nghỉ. Từ khía cạnh một người làm quản trị nhân sự, làm sao để giải tỏa tâm lý nhân viên trong thời gian Wartime?
JobHopin đã có một số thay đổi về thương hiệu, cách thức tiếp cận thị trường và đối tượng khách hàng. Do đó, Wartime đi làm thêm vào ngày thứ bảy là điều cần thiết ở giai đoạn này. Công việc vào ngày thứ bảy sẽ có khác biệt so với những ngày còn lại. Chẳng hạn như trong tuần các bạn sẽ liên tục tiếp cận khách hàng, sản xuất nội dung, tối ưu sản phẩm. Ngược lại, vào ngày thứ bảy, các bạn sẽ dành phần lớn thời gian để nhìn lại những công việc mình còn dang dở và lên kế hoạch cụ thể cho tuần làm việc tiếp theo.
Wartime cũng không tạo ra quá nhiều áp lực vì thời gian làm việc sẽ được rút ngắn lại so với thông thường. Nhân viên có thể đi làm trễ hơn và về sớm hơn, cũng không cần phải lo chuyện ăn trưa vì đã có công ty hỗ trợ 100%. Ngoài ra, các bạn cũng có thể làm việc linh hoạt tại nhà tùy theo nhu cầu và mong muốn cá nhân.
Môi trường công sở với đa dạng tính cách, mỗi cá nhân đều có phương pháp thể hiện cảm xúc khác nhau. Làm cách nào nhận biết được nhân viên có đang hạnh phúc với công việc của mình?
Mong muốn hàng đầu của một người làm quản trị nhân sự là xây dựng môi trường làm việc phù hợp, tạo điều kiện để nhân viên có thể phát huy tối đa khả năng. Thực hiện khảo sát ẩn danh hàng tuần/tháng là phương pháp JobHopin đang tiến hành thực hiện để đánh giá mức độ hài lòng của nhân viên. Mọi ý kiến đóng góp của các bạn đều được ghi nhận và không ngừng cải thiện nhằm xây dựng môi trường phù hợp hơn. Bên cạnh đó, những buổi chia sẻ, hoạt động ngoài giờ cũng được tổ chức đều đặn nhằm tạo điều kiện để các bạn có thể thoải mái thư giãn sau thời gian làm việc.
Bên cạnh những tiêu chí đánh giá khác, KPI và OKR đóng vai trò gì trong việc quản lý nhân sự?
KPI hay OKR đều những phương thức hiệu quả trong hệ thống quản trị. Cả hai đều được dùng để xác định mục tiêu cũng như theo dõi kết quả làm việc của nhân sự. Xây dựng tiêu chí rõ ràng là việc cần làm, tuy nhiên cũng cần xem xét tới những yếu tố thực tế dựa trên nguồn lực và mục tiêu của công ty, từ đó đưa ra KPI và OKR hợp lý. Việc đặt ra những tiêu chí không phù hợp có thể dẫn tới những hệ quả không mong muốn, gây ảnh hưởng đến tâm lý và hiệu suất làm việc của nhân viên.
Nhân sự là công việc về con người, thậm chí thường xuyên giải quyết mâu thuẫn cá nhân. Với chị, đâu là những khó khăn trở ngại mà một người làm nhân sự thường gặp phải?
Có đôi khi chúng ta phải đưa ra những quyết định khó khăn, chẳng hạn như khi sa thải nhân viên hoặc giải quyết những vấn đề mang tính cá nhân. Trong quá trình làm việc, mâu thuẫn và bất đồng giữa nhân viên là vấn đề khó tránh khỏi, càng không thể nào lờ đi, đặc biệt là khi bạn đang ở vị trí quản trị nhân sự. Chúng ta cần tìm ra cách giải quyết phù hợp dựa trên con số, những yếu tố về luật và ý kiến đóng góp từ những cá nhân khác.
Sau khi giải quyết vấn đề, có thể chúng ta sẽ còn tồn đọng lại những cảm giác khó tả và cần một ít thời gian để cân bằng bản thân. Tuy nhiên, công việc nào cũng sẽ mang đến những khó khăn nhất định, bên cạnh đó là những kinh nghiệm vô cùng giá trị. Ngành tuyển dụng sẽ đem lại cho bạn cơ hội mở rộng mạng lưới quan hệ, trao đổi với những nhân sự lĩnh vực mới và được học hỏi thêm nhiều ngành nghề khác.
Ngành quản trị nhân sự gắn liền với việc tuyển dụng. Thế thì làm cách nào để không “nhìn lầm” ứng viên trong buổi phỏng vấn?
Cách đơn giản nhất trong trường hợp này là nâng cao chất lượng sàng lọc, tiêu chuẩn đầu vào và rõ ràng về mặt thông tin. Hãy thực hiện những câu hỏi phỏng vấn hành vi, yêu cầu ứng viên đưa ra một ví dụ cụ thể hoặc tình huống họ đã từng gặp. Việc của bạn lúc này là lắng nghe ứng viên, qua đó đánh giá về mặt chi tiết, tính thực tế của câu trả lời. Một cách khác mà bạn có thể sử dụng là thực hiện các bài test về kiến thức, kỹ năng, IQ hoặc EQ tùy theo vị trí làm việc.
Chị có lời khuyên gì dành cho các bạn trẻ muốn dấn thân vào nghề nhân sự?
Bên cạnh những kiến thức và kỹ năng chuyên môn, nghề quản trị nhân sự quan trọng nhất là phải có tâm và có tầm, không chỉ đồng hành cùng sự phát triển doanh nghiệp mà còn là người bạn đáng tin cậy của nhân viên.
JobHopin Team