nghe-thuat-win-win-jobhop

Môi trường công sở được xem là môi trường có tính cạnh tranh cao, đòi hỏi từng cá nhân phải luôn biết nắm bắt cơ hội cho bản thân mình. Tuy nhiên thì một người có tài ba đến mấy cũng sẽ có một vài sở đoản khó có thể khỏa lấp được, dẫn đến thất bại trong nhiều trường hợp. Lúc này tại sao chúng ta không nghĩ tới một sự hợp tác với người khác, một thế Win-Win để đôi bên cùng có lợi?

Nghệ thuật Win-Win là gì?

Chúng ta có thể hiểu cơ bản Win-Win chính là nguyên tác đàm phán Thắng – Thắng. Đây được làm là một trong những nguyên tắc nền tảng trong nghệ thuật đàm phán, trong những cuộc thương thảo thường xuyên của kinh doanh hiện đại.

Theo quy tắc chính của đàm phán Win-Win, những ai tham gia đàm phán, thương thảo kinh doanh sẽ phải có thái độ tôn trọng đối phương, cùng hợp sức để đôi bên đều được hưởng lợi. Nguyên tắc Win-Win sẽ đảm bảo kết quả hợp tác luôn được duy trì trong sự ổn định và vững bền dài lâu.

Một điều dễ nhận ra là hoạt động đàm phán luôn được diễn ra ở mọi lúc và mọi nơi, từ hoạt động ký kết hợp đồng ở nhiều mức giá trị khác nhau cho tới công tác giải quyết những vấn đề phát sinh. Đây được xem là yếu tố tiên quyết cho sự thành bại của các buổi thương thuyết.

Theo ý kiến của chuyên gia Herb Cohen, người đã có hơn 40 năm kinh nghiệm là đại diện đàm phán của chính phủ Mỹ cùng nhiều tập đoàn lớn thì mọi thứ trên đời này đều có thể được đàm phán. Nguyên tắc cần nhớ ở đây chính là vận dụng khôn khéo từng con người.

nghe-thuat-win-win-jobhop

Phải làm gì để đạt được nghệ thuật Win-Win trong đàm phán?

Đàm phán không phải là kỹ năng dễ dàng đối với bất cứ doanh nhân nào. Một người chưa có nhiều kinh nghiệm vẫn có thể đàm phán Win-Win thành công và ngược lại, những chuyên gia vẫn có thể thất bại như thường.

Không hề có một mẫu số chung hoặc một công thức cụ thể nào cho những buổi đàm phán thành công, tuy vậy thì bạn vẫn có thể tận dụng linh hoạt một số quy tắc sau đây:

Biết người biết ta

“Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng” được xem là nguyên tắc kinh điển trong Binh pháp Tôn Tử ở thời Chiến Quốc. Đến tận bây giờ, trong môi trường kinh doanh hiện đại thì nguyên tắc này vẫn còn vẹn nguyên giá trị.

“Biết người” ở đây có thể hiểu là quá trình chuẩn bị, tìm hiểu kỹ lưỡng đối tác, có khả năng đánh giá được những yêu cầu của họ, biết được nhân vật nào là người có quyền quyết định, ai có thể tác động lên những quyết định đó, vv…

Không chỉ vậy, bạn còn nên tìm hiểu thêm về tập quán văn hóa, thói quen cũng như sở thích của đối phương để có thể nghĩ như người, từ đó “Biết rõ người”.

Ngược lại thì “Biết ta” chính là khi bạn đã nắm chắc được mục tiêu đàm phán của chính mình, hiểu rằng mình mong muốn gì, cần gì, có khả năng nắm được điểm mạnh và điểm yếu của mình để lấy làm lợi thế so sánh mỗi khi đàm phán. Bạn cũng cần lường trước một số tình huống bất lợi và chuẩn bị phương án dự phòng. Sự kỹ lưỡng trong đàm phán không bao giờ là thừa.

Lấy tâm đối nhân

Khi đàm phán, bạn hãy hạ bớt cái tôi của mình, tạm quên đi những quan điểm riêng của mình mà tập trung vào lợi ích của đôi bên. Bạn cần phải dung hòa lợi ích của mình và đối tác, cho họ thấy thiện chí của mình, sẵn sàng thỏa hiệp nếu cần. Thực tế là nhiều cuộc đàm phán đã thành công tốt đẹp chỉ với chiến thuật giản đơn nhất: đàm phán với lòng chân thật, mong muốn tìm được giải pháp lợi cả đôi đường. 

Lắng nghe và quan sát

Rất nhiều người thích bày tỏ về mọi thứ nhưng chỉ lắng nghe những điều mà mình muốn nghe. Để tránh tình trạng này, bạn hãy học cách lắng nghe thật nhiều cũng như mài giũa khả năng quan sát đối phương.

Khi cảm thấy có điều gì đó vướng mắc, bạn hãy dẹp ngại ngùng sang một bên để hỏi cho rõ, đồng thời cũng cần kiểm tra xem đối phương có hiểu rõ mình không. Sự lệch pha trong quá trình lắng nghe và quan sát sẽ rất dễ dẫn đến thất bại trong đàm phán, đẩy cả đôi bên ra khỏi thế Win-Win – đôi bên cùng có lợi, và đánh mất đi cơ hội của bạn.

Mong rằng bài viết vừa rồi đã giúp bạn hiểu rõ hơn về nghệ thuật Win-Win hợp tác cùng tiến nơi công sở. Khi bạn đã nắm rõ được bản chất của nghệ thuật Win-Win, bạn hoàn toàn có thể áp dụng nó vào công việc mà mình đang theo đuổi và có được sự thành công đáng mơ ước.

JobHop Team