Kể từ lúc ra đời, bất kỳ ai trong chúng ta cũng là đại diện điển hình của người tối giản, vì chẳng có đứa trẻ nào sinh ra đã có tài sản, vật dụng, công việc trong tay. Do đó, sống tối giản không phải đích đến cuối cùng, mà là sự khởi đầu và hành trình trải nghiệm để vươn tới lý tưởng cá nhân. Mỗi người đến với chủ nghĩa tối giản bởi những nguyên do khác nhau, nhưng mục đích cuối cùng chính là tìm kiếm sự hài lòng, cân bằng và hạnh phúc trong cuộc sống.
Tuy nhiên, dù chúng ta muốn “tận hưởng” sự đơn giản, nhưng không phải mọi việc lúc nào cũng giản đơn, đặc biệt là trong công việc. Bạn có bao giờ thắc mắc: Người tối giản sẽ làm những công việc phức tạp như thế nào? Đầu tiên, hãy cùng nhìn lại những gì mọi người thường nghĩ đến khi nói về lối sống tối giản.
Định nghĩa sống tối giản có phải là…
- Ở trong căn phòng đơn giản với đồ vật hạn chế?
- Ăn bữa cơm đơn giản cùng những món dễ làm?
- Mặc trang phục đơn giản, không cầu kỳ, ít màu sắc?
- Sống đơn giản, hạn chế hoạt động ngoại giao xã hội?
Điều này chỉ đúng với từ “tối giản” nhưng chưa đủ với khái niệm “sống tối giản”. Mỗi cá nhân đều có tiêu chuẩn sống tối giản khác nhau. Đặc biệt, khi vận dụng chủ nghĩa tối giản một cách sáng tạo vào công việc, bạn sẽ tạo nên sự khác biệt.
Người sống tối giản làm việc phức tạp như thế nào?
Đầu tiên, chúng ta cần tìm thấy sợi dây kết nối giữa chủ nghĩa tối giản và sự năng suất qua cách sắp xếp thứ tự ưu tiên, tư duy đổi mới phương pháp xử lý công việc, tìm thấy nút thắt của những vấn đề phức tạp và đơn giản hóa chúng.
Chủ nghĩa tối giản không chỉ giúp bạn rút gọn mọi việc, mà còn mang đến mức độ hiệu quả đáng kể so với lối mòn thông thường. Sau đây ba bước nhanh nhất để tiếp cận công việc của bạn với chủ nghĩa tối giản.
- Mỗi ngày một to-do list: Hãy bắt đầu ngày mới bằng cách lên kế hoạch cho bản thân, viết ra những việc cần làm. Chỉ với vài phút ngắn ngủi mỗi sáng, bạn đã hệ thống được công việc trong ngày. Điều này giúp toàn bộ phần việc của bạn được sắp xếp rõ ràng, rành mạch và dễ dàng thực hiện hơn.
- Ưu tiên phần việc quan trọng: Bước tiếp sau khi hoàn thành danh sách việc cần làm, hãy đi vào chi tiết hơn. Những việc quan trọng cần ưu tiên chắc chắn sẽ nhận được sự chú ý của bạn. Lúc này đừng quên đánh dấu và sắp xếp chúng theo thứ tự.
- Cắt giảm việc không cần thiết: Đây chính là bước quan trọng nhất. Hãy nhìn lại danh sách những việc cần làm lần thứ hai và xem xét chúng với góc nhìn tối giản. Lúc này, bạn hoàn toàn có thể loại bỏ những việc mình cảm thấy không quá quan trọng hoặc lãng phí thời gian để hoàn thành, đồng nghĩa với không làm cũng chẳng sao.
Đi sâu phân tích việc ứng dụng lối sống tối giản vào một công việc phức tạp cụ thể, chúng ta cũng có thể áp dụng ba bước như trên: (1) Hệ thống những phần việc nhỏ cần làm -> (2) Ưu tiên những phần việc quan trọng -> (3) Lược bỏ những phần việc ít quan trọng. Phương pháp này sẽ giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian và năng lượng để hoàn thành công việc.
Xem thêm:
Sống tối giản: Trào lưu nhất thời hay lý tưởng sâu sắc?
Chủ nghĩa tối giản – Minimalism được phát triển ở Mỹ vào những năm 1960 dưới danh nghĩa là một phong trào nghệ thuật, chủ yếu ở lĩnh vực âm nhạc và điện ảnh. Sau đó dần lan rộng và trở thành triết lý sống của rất nhiều người trên thế giới.
Chủ nghĩa tối giản giúp bạn tạo dựng cuộc sống hạnh phúc, quản lý công việc ngăn nắp, hình thành thói quen sắp xếp, ưu tiên mọi việc theo thứ tự quan trọng. Không chỉ dừng lại ở đây, sống tối giản còn giúp bạn xác định đâu là những việc cần thiết và dư thừa, tự do làm được những điều mình thích. Từ đó xây dựng nền tảng vững chắc cho một cuộc sống, sự nghiệp ý nghĩa, biết trân trọng hiện tại, kể cả những điều nhỏ nhặt nhất.
Cuối cùng, lối sống tối giản có sự tác động nhất định đến tự duy tích cực. Bạn sẽ nhận thấy sự thay đổi của chính bản thân mình qua việc sẵn sàng học hỏi, đổi mới suy nghĩ và khả năng khai phá năng lực tiềm ẩn của bản thân.
JobHopin Team