Người tham chiếu (references) khá đặc biệt trong quá trình ứng tuyển công việc. Đặc biệt đối với những vị trí quan trọng buộc nhà tuyển dụng phải xác thực kinh nghiệm, thông tin cá nhân. Vậy bạn có thể chọn ai làm người tham chiếu cho mình? Và cần lưu ý những gì trước bỏ thông tin của họ vào CV?
Ai phù hợp để trở thành người tham chiếu của bạn?
Người tham chiếu thật ra có thể là bất cứ quản lý hay đồng nghiệp cũ nào đã cùng làm việc với bạn trước đó. Tuy nhiên, tùy theo vị trí mà bạn ứng tuyển, thứ hạng quan trọng của họ sẽ được sắp xếp như sau:
- Quản lý hoặc giám sát hiện tại
- Quản lý hoặc giám sát trước đó
- Đồng nghiệp hoặc khách hàng hiện tại (nếu bạn ứng tuyển cho vị trí Customer Service hoặc Sales)
- Đồng nghiệp hoặc khách hàng cũ
- Bạn bè, thầy cô đã từng làm việc trực tiếp với bạn ở môi trường đại học
Có nhiều trường hợp các bạn sử dụng thông tin chức danh giả, lưu ý rằng nhà tuyển dụng hoàn toàn có đủ kinh nghiệm để xác thực việc này. Nên để không bị rơi vào danh sách đen của ngành tuyển dụng thì đừng nên thử nhé.
Bạn có cần liệt kê người tham chiếu lên CV?
Thật ra bạn không cần liệt kê thông tin những người này lên CV và chỉ nên để thông tin, kinh nghiệm của riêng bạn. Mục này sẽ khá tốn chỗ nếu bạn có nhiều hơn 2 người nên hãy cân nhắc. Thông thường, chỉ khi cần kiểm tra thông tin ứng viên thì nhà tuyển dụng mới hỏi bạn về thông tin tham chiếu mà thôi.
Ngoài ra, khi nhà tuyển dụng hỏi về thông tin người tham chiếu hãy chi tiết hết mức có thể. Cụ thể, nếu nhà tuyển dụng cần tham chiếu về khả năng thích ứng thì đưa thông tin đồng nghiệp thân cận nhất. Ngược lại, nếu nhà tuyển dụng cần tham chiếu về khả năng sắp xếp và quản lý công việc, hãy gửi cho họ thông tin của sếp.
Bạn chưa nghỉ việc thì tham chiếu thế nào?
Trong trường hợp oái ăm là bạn tìm việc mới khi chưa nghỉ việc cũ, nhà tuyển dụng thì muốn tham chiếu sếp trực tiếp của bạn. Lúc này, bạn phải làm sao?
Bạn có thể yêu cầu nhà tuyển dụng tham chiếu những người không thuộc doanh nghiệp của bạm. Đó có thể là cố vấn, khách hàng hoặc đối tác cũ. Hoặc yêu cầu họ tạm thời hoãn tham chiếu cho tới khi bạn chính thức rời khỏi chỗ làm cũ. Cứ thẳng thắn thôi, vì nhiều nhà tuyển dụng hiểu được tình huống khó xử này mà.
Bạn nên:
- Có một danh sách uy tín gồm sếp, đồng nghiệp hoặc bất cứ ai bạn báo cáo trực tiếp về.
- Hãy cung cấp những người phù hợp nhất tùy vào thứ mà bạn muốn họ nói về, nghĩa là danh sách của bạn có thể có cá đối tác, khác hàng cũ hay người cố vấn. Miễn là họ có thể cung cấp chi tiết về quy trình làm việc của bạn là được.
- Nhắc người tham chiếu về quá trình làm việc trong quá khứ, nhắc họ nêu lên những điểm nổi bật về khả năng hoặc kỹ năng của bạn.
Không nên:
- Cân nhắc chọn người tham chiếu ở doanh nghiệp cũ nếu bạn chưa muốn cả công ty biết bạn sắp nghỉ việc.
- Không nhờ người khác tham chiếu nếu bạn không kiểm soát được họ sẽ nói tốt về bạn
- Chia sẻ chung chung, mơ hồ về cơ hội việc làm mới khiến người được nhờ tham chiếu không thực sự nắm rõ thông tin về để cung cấp cho nhà tuyển dụng.
Hy vọng với những mẹo nhỏ ở trên, JobHopin có thể giúp bạn tìm việc hiệu quả nhé!
JobHopin Team