Giáo sư James L. Heskett (giáo sư về Kinh doanh Logistics) từng nói rằng: “Văn hóa doanh nghiệp có thể chiếm 20-30% về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp”. Văn hóa doanh nghiệp luôn được đánh giá như một trong những yếu tố cốt lõi quyết định hiệu quả công việc của doanh nghiệp. Tuy nhiên, chính bởi vì việc chạy theo “sự hoàn hảo và tốt đẹp” trong văn hóa đã phủ lên một lớp màn rủi ro. Việc mọi người luôn phải ý thức việc xây dựng và giữ gìn văn hóa “tốt đẹp” nơi làm việc khiến chia sẻ giữa người người bị hạn chế, đánh mất sự thẳng thắn và tính chân thật trong trao đổi hằng ngày.
Vì sao các doanh nghiệp, tổ chức luôn theo đuổi “điều tốt đẹp”?
Với bất kỳ doanh nghiệp hay tổ chức nào, họ đều hiểu rõ sự quan trọng cũng như mức độ ảnh hưởng của văn hóa tập thể đến hiệu suất của công việc. Chúng ta cũng đang chứng kiến ngày càng có nhiều nhà tuyển dụng chú trọng sự phù hợp văn hóa giữa ứng viên và doanh nghiệp. Bởi chỉ có sự hòa hợp trong văn hóa, những cá nhân mới có thể phấn đấu cho một mục tiêu chung cho công ty.
Đối với các tổ chức về giáo dục, thiện nguyện, dường như nét văn hóa chung ấy được xây dựng từ sự hiểu rõ sứ mệnh của tập thể cũng như đóng góp của cá nhân trong sứ mệnh ấy. Và chính điều này sẽ ngày càng thúc đẩy sự phát triển cá nhân đi đôi với hoàn thành mục tiêu – sứ mệnh của doanh nghiệp, tập thể.
Có rất nhiều lý do để các nhà lãnh đạo “khao khát” xây dựng nét văn hóa tốt đẹp nơi công sở. Trong số đó, có 4 “động lực” chính sau đây:
- Tránh sự xung đột và nhanh chóng đi đến sự đồng thuận trong các quyết định: Trong quá trình làm việc, chúng ta sẽ luôn phải đối mặt với những ý kiến trái chiều. Việc nhanh chóng đưa ra một phương án phù hợp nhất với doanh nghiệp luôn là điều cấp thiết. Do vậy, văn hóa doanh nghiệp được xây dựng và sẽ xuất hiện vào đúng những lúc như thế này – để các quyết định cuối cùng sẽ không mang tính chỉ trích những ý kiến trái ngược.
- Sự hòa nhập nơi công sở: Một số doanh nghiệp cho rằng việc xây dựng một văn hóa “tốt đẹp” chung cho một tập thể chính là để thúc đẩy sự hòa nhập giữa các cá nhân khác biệt. Tôn trọng sự khác biệt – một trong những tôn chỉ được sử dụng khá phổ biến để tạo ra một niềm tin trong cộng đồng rằng bạn có thể hòa nhập ngay cả khi không giống chúng tôi.
- Sự tôn trọng/ tử tế quá mức dành cho các đối tượng ưu tiên: Đối với một số tổ chức “dựa trên sự sợ hãi”, tử tế chính là chìa khóa cho sự an toàn của bạn. Tư duy thường thấy ở các tổ chức này là “không vượt quá giới hạn nếu bạn muốn đảm bảo vị trí của chính mình”.
- Động lực ở trên trách nhiệm: Đây có thể được xem xét như một nét văn hóa tích cực độc hại, bởi một số lãnh đạo cho rằng việc tạo ra các động lực cần được ưu tiên, tới mức bỏ quên việc đề cao trách nhiệm trong công việc. Khi một ai đó không hoàn thành nhiệm vụ, họ thường chỉ tập trung vào việc “xoa dịu” nhằm tránh tạo không khí căng thẳng. Tuy điều này có thể tạo nên một môi trường công sở thoải mái, gần gũi, đầy tính thúc đẩy nhưng dường như những động lực “ảo” đó đã khiến hiệu quả công việc ngày càng đi xuống vì thiếu đi tinh thần trách nhiệm.
Những mặt trái nguy hiểm của một nền văn hóa quá đỗi “tốt đẹp”
- Kích hoạt cơn khủng hoảng: Đôi khi, sức ì đang âm thầm được nuôi dưỡng và ngày càng trở nên mạnh mẽ trong một nền văn hóa tốt đẹp. Mọi người luôn ở trong tâm thế chờ đợi cho đến khi xuất hiện một vấn đề lớn hơn và liệu rằng giới hạn sẽ bị phá vỡ? Có thể lấy ví dụ từ vụ việc Đại học Nam California mất 25 năm mới thừa nhận và xử lý các cáo buộc lạm dụng tình dục chống lại Tiến sĩ George Tyndall – một bác sĩ phụ khoa tại trường, cuối cùng vẫn dẫn đến một vụ dàn xếp trị giá 1,1 tỷ đô la. Các nền văn hóa tốt đẹp có xu hướng nuôi dưỡng sự phân đôi giả tạo rằng bạn phải lựa chọn để trở nên tốt hơn hoặc phải là người chịu trách nhiệm, nhưng nhất định không phải cả hai.
- Nghẹt thở trong sự đổi mới: Về bản chất, sự đổi mới phá vỡ những thực tại của một tập thể, bởi đổi mới cũng là một quá trình xã hội đòi hỏi tư duy khác biệt và các cuộc đối thoại can đảm. Và nét văn hóa “tử tế” tại doanh nghiệp lại là một trong những rào cản cho sự đổi mới đó.
- “Chảy máu” chất xám: Những người có khả năng thường thích tạo ra các cống hiến mang tính giá trị hơn là cố gắng để “hòa hợp” trong một tập thể. “Tôi thà làm việc trong một nền văn hóa độc tài độc đoán hơn là một nền văn hóa độc hại tốt đẹp bởi vì trong nền văn hóa độc tài độc đoán, ít nhất họ sẽ nói với tôi rằng tôi đã sai ở đâu và cần cải thiện những gì. Tại đó, tôi có thể kích động hệ thống, gây phản ứng và tạo ra một tác động nhất định. Trong khi đó, ở một nền văn hóa độc hại tốt đẹp, họ làm bạn hài hước và sau đó, sẽ không có sau đó”.
- Những quyết định thường được đưa ra với tốc độ khá chậm: Trong một nền văn hóa tốt đẹp, hòa hợp luôn đi cùng áp lực và điều này khiến việc thảo luận và phân tích cần thiết để ra quyết định trở nên chậm chạp và ít thấu đáo.
Giải pháp nào cho một sự tốt đẹp không tiêu cực?
Sau khi hiểu rõ những nguy cơ tiềm tàng của một nền văn hóa doanh nghiệp tốt đẹp, sau đây là một số đề xuất và lưu ý dành cho các nhà lãnh đạo trong quá trình thiết lập văn hóa doanh nghiệp “không góc chết”:
- Làm rõ các kỳ vọng, tiêu chuẩn về hiệu suất và các loại cuộc họp: Sự mơ hồ sẽ nuôi dưỡng điều tốt đẹp độc hại, vì vậy hãy làm rõ những kỳ vọng của lẫn nhau trong quá trình giao tiếp cũng như ở cách làm việc và ý thức trách nhiệm. Hãy nói rõ rằng bạn mong đợi sự trung thực về trí tuệ, phản hồi thẳng thắn và những câu hỏi “hóc búa”. Cuối cùng, khi bạn có các cuộc họp, hãy có khung thời gian cụ thể cho từng nội dung. Hãy xác định loại cuộc họp mà bạn muốn tổ chức: một buổi thảo luận và quyết định các vấn đề hay một buổi họp để tìm kiếm các giải pháp mới. Đừng quên thông báo cho mọi người bởi vì yếu tố quan trọng nhất trong giao tiếp hiệu quả – chính là không bí mật.
- Công khai thách thức hiện trạng: Đừng mong đợi người khác vượt qua nỗi sợ hãi và nói thật nếu không có người tiên phong. Đồng thời cho mọi người thấy rằng việc nói ra những ý kiến cá nhân có thể tạo ra những giá trị cho doanh nghiệp.
- Bảo vệ những ý kiến trái chiều: Khi mọi người có đủ can đảm để bày tỏ quan điểm bất đồng và thẳng thắn nói về nó, hãy bảo vệ họ. Giảm nguy cơ bị chế giễu bằng cách cảm ơn những người đã can đảm. Khi bạn thích ứng với những quan điểm trái ngược, bạn sẽ dần dần điều chỉnh lại quy chuẩn cho đến khi nó trở thành một kỳ vọng trong văn hóa doanh nghiệp.
- Đối mặt với các vấn đề về hiệu suất: Khi gặp phải những vấn đề liên quan đến hiệu suất, bạn thường sẽ bỏ qua. Và một khi bạn ngần ngại, bạn đang cổ súy cho sự vô trách nhiệm nơi công sở. Hãy học cách đối mặt và đưa ra những giải pháp cấp thiết nhất – cho bạn và tập thể.
Martin Luther King Jr. đã nói trong Bức thư nổi tiếng từ Nhà tù Birmingham “… có một loại căng thẳng mang tính xây dựng, bất bạo động là điều cần thiết cho sự phát triển.” Đừng chỉ vì sự tốt đẹp nhất thời mà lãng quên những tiêu cực thực sự cần được giải quyết.
JobHopin