Product Manager thường bị nhiều người lầm tưởng là công việc xoay quanh phát triển sản phẩm. Thực tế không đơn giản như vậy. Sau hơn 2.5 năm kinh nghiệm làm việc ở startup, đây là những bài học tôi đúc kết được từ quá trình quan sát thực tế của mình trong vai trò Product Manager.
Product Manager không chỉ giỏi tạo ra sản phẩm, họ phải bán được chúng
Phát triển ứng dụng công nghệ là môi trường lý tưởng cho những bạn ham học hỏi và cầu tiến. Thứ nhất, hiểu sản phẩm thôi chưa đủ, một Product Manager sẽ cần trang bị tư duy của các phòng ban khác như sales, marketing và thiết kế. Một ứng dụng dù tốt vẫn sẽ khó tiếp cận khách hàng nếu thiếu đi chiến lược marketing phù hợp.
Thứ hai, trước khi bắt tay vào xây dựng tính năng mới, hãy hỏi bản thân: “Liệu những tính năng này có khả thi không?” hoặc “Những gì tôi tạo ra có giải quyết được nhu cầu của người dùng không?”. Tôi sẽ thay đổi kế hoạch nếu câu trả lời là”không” và dành sức lực đầu tư cho tính năng khác đáp ứng được hai mối bận tâm trên.
Biến lời nói thành hành động
Bí kíp này tôi học từ sếp của mình: Biến mọi lời nói của bạn thành hành động. Đại khái khi trình bày ý kiến, hãy đề xuất hành động tiếp theo là gì thay vì chờ người khác vạch ra đường đi nước bước cho bạn. Đây là thói quen tốt mà bất cứ ai cũng nên thực hành và áp dụng triệt để những lúc giao tiếp, đặc biệt là với sếp. Giả sử những lúc gặp vấn đề, thay vì tư duy đổ lỗi kiểu cũ, hãy suy nghĩ theo hướng “Kế hoạch ABC không ổn rồi, phải chuyển hướng sang kế hoạch XYZ ngay”. Thói quen này không chỉ giúp bạn thay đổi tư duy khi làm Product Manager, nó còn giúp bạn biết đâu là lựa ý tưởng tốt nhất giữa muôn vàn ý tưởng tốt.
Product Manager thường làm việc với nhiều bộ phận khác nhau cùng một lúc và thường xuyên phải tham dự các buổi họp. Họp và gọi điện 1-1 rất tốt nhưng chúng cũng ngốn không ít thời gian của bạn, vì thế hãy tiết chế nếu không cần thiết. Vốn dĩ gọi điện và họp mặt có mục đích giúp mọi người theo sát tiến độ công việc hoặc thông báo quan trọng mà thôi. Thấu đáo trong giao tiếp và đề xuất ý tưởng để tiết kiệm thời gian không những của bạn mà còn của tất cả mọi người.
Tiếp xúc và hiểu sản phẩm, Product Manager phải là người tạo ra hệ thống
Trước khi đi làm, tôi cứ nghĩ rằng công ty nào cũng sẽ có hệ thống làm việc rõ ràng. Đi làm rồi mới vỡ lẽ, chuyện mình nghĩ chỉ xảy ra ở các tập đoàn lớn với hàng nghìn nhân viên dưới trướng. Ở các startup, khái niệm hệ thống làm việc thường hình thành ở các doanh nghiệp đã tồn tại được 2-3 năm trên thị trường. Chuyện này dễ hiểu vì để xây dựng một hệ thống hiệu quả không phải chuyện ngày một, ngày hai. Xây dựng hệ thống công việc hiệu quả đòi hỏi quá trình nỗ lực bền bỉ của cả lãnh đạo và nhân viên.
Tuy nhiên, lời khuyên tôi dành cho bạn chính là trở thành người tạo ra hệ thống. Khi làm việc, chú ý các vấn đề có thể ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra, chủ động tìm cách xử lý trước khi sang bước kế tiếp. Trong thời gian làm Product Manager, tôi luôn tự tạo ra hệ thống quản lý công việc của riêng mình. Đồng thời ghi chú lại những ý tưởng bộc phát của bản thân, đồng nghiệp trong cuộc họp phòng khi cần sử dụng đến. Hệ thống lại tài liệu quan trọng, bổ ích để tra cứu dễ dàng hơn trong tương lai.
Xem thêm: Hansei: Nghệ thuật giúp bạn khai thác tối đa tiềm năng quản lý!
Hiểu được bạn đang làm việc cùng ai
Làm thế nào để tôi nhận được sự lắng nghe và tôn trọng đến từ những tiền bối dày dặn kinh nghiệm làm việc hơn mình? Câu trả lời nằm ở thái độ và kiến thức của bạn đến đâu. Thái độ tốt, bạn nhận lại sự tôn trọng. Kiến thức vững vàng, mọi người dần lắng nghe bạn. Nếu bạn hỏi tôi: “Vì sao phải quan tâm đến những kiến thức chẳng phải là sở trường của mình?”. Tin tôi đi, mọi người thích được trò chuyện cùng những người có điểm chung. Hơn ai hết, là Product Manager, bạn lại càng phải hiểu rõ designer, developer, tester đang làm gì với “đứa con tinh thần” của mình.
Đặt câu hỏi đi, đừng ngại
Một ứng dụng hoàn thiện đến từ góp ý khách quan của người dùng. Những góp ý đó không tự hình thành, nó xuất hiện khi bạn đặt đúng câu hỏi cho người dùng, khách hàng và thậm chí là đồng nghiệp. Chúng ta luôn tò mò, nhưng sự tò mò đó dần biến mất bởi bạn sợ người khác phán xét. Nhưng bạn biết không? Đôi khi rắc rối trước mắt được giải quyết ngay sau khi bạn đặt câu hỏi đấy. Làm Product Manager, tôi thành thực khuyên bạn hãy bảo vệ sự tò mò bên trong mình và học cách đặt càng nhiều câu hỏi càng tốt. Tìm kiếm câu trả lời không khó, nó bắt đầu với một câu hỏi chính xác.
Quan sát và học cách mọi người suy nghĩ
Xuyên suốt sự nghiệp của mình, hãy cân nhắc kỹ lưỡng xem mối quan hệ nào đáng để đầu tư nhất? Chọn ra những nhân vật sẽ mang đến ảnh hưởng tích cực đến trong công việc lẫn cuộc sống của bạn. Dành thời gian quan sát và thấu hiểu lối suy nghĩ của họ. Học hỏi kiến thức từ đồng nghiệp quan trọng như tự học vậy.
Theo kinh nghiệm làm việc suốt thời gian qua, bất cứ khi nào muốn đánh giá liệu giải pháp của mình có hiệu quả hay không, tôi thường nhờ sự can thiệp của đồng nghiệp. Hỏi họ một vài câu hỏi, quan sát xem cách họ tiếp cận và xử lý vấn đề có tương tự với mình không. Nhờ làm việc này thường xuyên, tôi không bị bỏ sót những vấn đề quan trọng mà não bộ thường tự động lờ đi.
Điên rồ không đồng nghĩa với mù quáng
Nếu để ý, bạn sẽ thấy hầu hết lãnh đạo các công ty thường có chút “điên rồ” trong họ. Chính cá tính này giúp họ tạo ra sự khác biệt trên thị trường. Khả năng tách bản thân ra khỏi những luồng suy nghĩ và mọi tác động bên ngoài cho phép họ đưa ra giải pháp mà không bị sao nhãng. Điên rồ một chút tạo ra sự khác biệt, nhưng suy nghĩ cởi mở là cách bạn quan sát bức tranh toàn cảnh và giữ mọi thứ trong tầm kiểm soát.
Đầu tư cho đúng người
Dù là kinh doanh hay đời thường, bài học nhân sự vẫn luôn đắt giá. Thời gian chúng ta dành cho đồng nghiệp và công việc đôi khi còn nhiều hơn những người thân của mình, vì thế hãy đầu tư thật xứng đáng. Lời khuyên cho những ai đang tìm đồng đội: Đừng tuyển quá nhiều người giỏi cùng một kỹ năng. Lưu ý rằng kỹ năng luôn có thể đào tạo, nhưng đặc điểm tính cách thì rất khó uốn nắn. Hình dung và tìm cách xây dựng văn hóa công sở phù hợp sẽ giúp công ty của bạn phát triển xa hơn. Nhân tài tìm đến công ty có thể nhiều, nhưng thứ giữ chân họ chính là văn hóa của doanh nghiệp.
Không riêng gì Product Manager, khi đang ở vị trí dẫn dắt, bạn phải bảo đảm phát triển tối đa năng lực cho nhân viên của mình. Tips tuyển dụng ưa thích của tôi là tìm ứng viên có thái độ sẵn sàng học hỏi. Khi phỏng vấn hoặc lúc làm việc chung, quan sát xem họ có các khả năng tiềm ẩn như lãnh đạo, ngoại giao không? Tôi từng gật đầu ngay trong vòng phỏng vấn designer cho công ty, chỉ đơn giản vì ứng viên thể hiện được tài năng lãnh đạo bẩm sinh của họ. Bạn ứng viên đó hiện nằm trong đội ngũ quan trọng thuộc bộ phận thiết kế của công ty tôi đấy.
Xem thêm: Ứng xử khi nhân viên chống đối – Làm sếp khó lắm phải đâu chuyện đùa
Một vài bài học khác quan trọng không kém:
- Không phải ai sinh ra cũng giỏi, họ lựa chọn hành động trước tiên và thông qua đó trở nên giỏi giang hơn.
- Đừng lãng phí thời gian phát triển bản thân nếu chúng không ứng dụng được vào thực tế.
- Đừng để bản thân rơi vào trạng thái “tự lái” (autopilot mode), nghĩa là để bản thân trôi lơ lửng không màng đến mọi thứ xung quanh. Như tôi đã đề cập ở trên, luôn tò mò và đặt câu hỏi để giỏi hơn.
Sau hơn 2 năm kinh nghiệm làm việc ở vị trí Product Manager, tôi nhận ra công việc này thú vị hơn bản thân tưởng. Quan điểm ban đầu của tôi về Product Manager là một nghề chỉ xoay quanh phát triển sản phẩm. Trên thực tế, muốn làm sản phẩm tốt còn đòi hỏi đảm bảo các yếu tố về nhân sự, kỹ năng làm việc và kết nối.
JobHopin Team