Làn sóng khởi nghiệp tạo ra ảnh hưởng mạnh mẽ và được đón nhận bởi nhiều người trẻ Việt. Tuy nhiên mỗi năm số lượng startup đối mặt trước rủi ro khởi nghiệp thất bại lại vô cùng lớn. Phần vì thiếu đi hệ sinh thái để khởi sự, phần khác vì không có chiến lược phù hợp. Người trẻ khi khởi nghiệp chỉ biết đâm đầu vào tìm những giá trị vật chất, mà không nhận ra còn rất nhiều yếu tố quyết định đến sự thành công của dự án.
Gửi đến những bạn đang ở chặng đầu của hành trình khởi nghiệp, trước khi đưa ra một quyết định mang tính bước ngoặt, hãy tham khảo những gạch đầu dòng sau:
Tập gật đầu trước những cơ hội mới
Ai trong chúng ta cũng đã từng nuối tiếc vì bỏ lỡ cơ hội tốt vì bị nỗi sợ “thất bại” làm choáng ngợp tâm trí. Thật ra không có khái niệm “đúng thời điểm” và những cơ hội tốt cũng chả bao giờ canh thời gian để gõ cửa nhà bạn. Con người nổi tiếng với xu hướng ngờ vực chính bản thân mình. Nghĩ mà xem, khi ai đó tiếp cận và trao cho bạn cơ hội, không phải là họ đang tin tưởng bạn ư? Vậy việc gì khiến bạn phải chùn bước và trở thành kẻ thù của chính bản thân mình?
Nếu chưa chắc chắn có nên đồng ý hay không, hãy cứ gật đầu trước và học hỏi sau. Gật đầu với những cơ hội mới cũng chính là cách để bạn học hỏi và bổ sung những kiến thức chưa chắc được dạy ở trường lớp. Đó cũng là lúc bạn có thể rèn luyện khả năng quyết đoán của bản thân, một kỹ năng người làm khởi nghiệp cần học đấy.
Bước đi chậm mà chắc giảm rủi ro khởi nghiệp
Theo Shark Nguyễn Hòa Bình hiện là Chủ tịch Tập đoàn NextTech, hầu hết các startup gặp phải rủi ro thất bại phần vì thiếu hệ sinh thái, phần vì chưa có chiến lược phù hợp. Vậy học ở đâu cách lên chiến lược phù hợp? Bài học tốt nhất luôn đến từ thực tiễn. Trước khi gánh vác cả một tổ chức trên vai, hãy bắt đầu quan sát ở góc độ nhân viên trước. Nói ngắn gọn là hãy đi làm và học nhiều hơn từ trải nghiệm thực tế. Học các kỹ năng giao tiếp với khách hàng và không gục ngã trước những lời từ chối để chuẩn bị cho các vòng gọi vốn. Bổ sung kiến thức về cách quản lý dòng vốn vì đây là lỗ hổng kiến thức khiến 82% startup thất bại.
Bán cho người quen sẽ không nuôi sống dự án của bạn
Người quen sẽ ủng hộ bạn trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, nhưng sản phẩm của bạn chưa chắc là nhu cầu để họ có thể gắn bó lâu dài. Vì thế không nên dựa vào sự ủng hộ, hãy luôn thôi thúc bản thân tìm đúng đối tượng khách hàng cần sản phẩm của mình.
Đừng xem thường bài học về nhân sự
Thu hút và giữ chân đúng nhân tài nên trở thành kế hoạch được ưu tiên hàng đầu của người làm khởi nghiệp. Là người đứng đầu, hãy phát triển chiến lược quản lý nhân sự thật tỉ mỉ từ việc tìm ra nhân tài phù hợp, cho tới cách tiễn đi những nhân viên chưa đủ năng lực sao cho khéo léo. Đừng quên thường xuyên tổ chức nâng cao kỹ năng chuyên môn của nhân viên. Đoàn kết là tốt, nhưng tập thể cần phải đủ năng lực để hỗ trợ và phát triển cùng nhau. Có vậy thì doanh nghiệp mới có thể giữ vững phong độ ổn định, tránh rủi ro khởi nghiệp và đi xa hơn trên con đường của bản thân.
Ngoài ra, yếu tố để nhân tài gắn bó lâu dài với doanh nghiệp còn nằm ở cách bạn xây dựng văn hoá. Đừng trở thành một startup quá nguyên tắc, hãy tạo ra môi trường để nhân viên thỏa sức sáng tạo và thể hiện ý tưởng. Thường xuyên thử nghiệm nhiều mô hình văn hoá mới, một ngày nào đó bạn sẽ tìm ra mô hình phù hợp cho tập thể của bạn thôi.
Tóm lại, con đường khởi nghiệp như một cuộc phiêu lưu bền bỉ và trải nghiệm sẽ khác nhau ở từng người. Tuy nhiên, chuẩn bị thật tốt sẽ giúp bạn giảm đi rủi ro khởi nghiệp thất bại đấy!
JobHopin Team