Bạn chắc hẳn đã từng “chạm mặt” các chức danh như Marketing Specialist khi đi tìm việc, nhưng Generalist thì có vẻ còn khá xa lạ. Specialist và Generalist là gì và đảm đương các nhiệm vụ nào trong một công ty?
Tìm hiểu cùng JobHopin nhé!
Specialist và Generalist: Chính xác là làm gì?
Dựa vào tên gọi tiếng Anh, chắc hẳn bạn cũng mường tượng được sơ sơ chức năng của hai chức danh trên. Trong đó, Specialist (Chuyên viên) có nghĩa là những người có chuyên môn đặc biệt sâu trong một lĩnh vực, ngành nghề bất kỳ. Ngược lại, Generalist (Tổng quát viên) cũng là những người có chuyên môn cao, nhưng phạm vi hoạt động của họ bao quát hơn so với vị trí Specialist.
Giải thích dễ hiểu hơn, chẳng hạn trong lĩnh vực sức khỏe, các bác sĩ đa khoa (General practitioner) sẽ có nhiệm vụ chăm sóc các bệnh nhân ở đủ lứa tuổi khác nhau, từ bệnh cấp tính đến mãn tính. Trong khi đó, nếu bạn là bác sĩ tim, bạn sẽ chỉ tập trung phát triển ở mảng này xuyên suốt sự nghiệp. Đối tượng điều trị của bạn sẽ có tính chất giống nhau, cùng mắc những triệu chứng tương tự hoặc gặp cùng một căn bệnh.
Đối với những bạn đang từng bước xây dựng sự nghiệp của mình, lựa chọn trở thành Specialist hay Generalist là một quyết định hệ trọng. Do đó, trước khi quyết định tìm hiểu chuyên sâu hoặc bao quát một lĩnh vực nào đó, bạn cần biết những thế mạnh và điểm yếu vốn có của chúng.
Ưu nhược điểm của Specialist và Generalist
Ưu nhược điểm của Generalist:
Kiến thức luôn là trụ cột sức mạnh. Đặc biệt trong kỷ nguyên của công nghệ, khi lượng thông tin mới tăng nhanh hầu như là mỗi ngày. Vì vậy, càng hiểu biết nhiều chủ đề, loại thông tin và lĩnh vực khác nhau, cơ hội càng dang rộng tay đón chào bạn hơn bất cứ ai.
So với chuyên viên, tổng quát viên có khả năng nắm bắt và nhìn nhận vấn đề nhanh chóng hơn vì họ sở hữu khả năng quan sát toàn cảnh. Do đó trong doanh nghiệp, những generalist phù hợp với việc đưa ra nhận định và giải pháp mang tính bao quát, rộng lớn.
So với chuyên viên, tổng quát viên có nhiều cơ hội làm việc đa lĩnh vực hơn. Sở hữu kiến thức rộng và đa ngành, số cơ hội trên thị trường việc làm cho họ cũng theo đó mà nhân rộng. Tuy nhiên, vì định nghĩa vai trò của họ không cụ thể, công việc của các generalist cũng dễ bị thay thế hơn. Vì cuối cùng, tìm kiếm một generalist vẫn đơn giản hơn là tìm một chuyên viên.
Ưu nhược điểm của Specialist
Specialist (chuyên viên) mất nhiều thời gian để thành thạo chuyên môn, kỹ năng của họ. Do đó tìm kiếm specialist cũng khó hơn. Lương khởi điểm của các chuyên viên cũng có xu hướng cao hơn tổng quát viên.
Kinh nghiệm & kỹ năng mà họ tích cóp được trong một thời gian dài được xem trọng tại các doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp thường chỉ có vài vị trí chuyên viên, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phụ thuộc một phần vào những chuyên gia này. Các chuyên viên không chỉ nhận lương cao, tiếng nói của họ cũng có giá trị hơn. Đặc biệt, với những specialist có đam mê lớn và mong muốn phát triển bản thân xa hơn, họ hoàn toàn có khả năng trở thành thought leader hàng đầu trong lĩnh vực.
Dù cơ hội việc làm cho các vị trí chuyên viên không hề nhỏ, nhưng chúng lại bị thu hẹp bởi yếu tố chuyên môn. So với generalist, specialist thường chỉ có thể tìm kiếm việc làm trong lĩnh vực mà họ thường xuyên hoạt động. Ngoài ra, để cạnh tranh với những nhân tài giỏi giang khác, các specialist luôn phải khiến bản thân trở nên nổi bật trong chính lĩnh vực của mình.
>> Xem thêm: Áp lực đồng trang lứa – Cái tôi và địa vị xã hội
Specialist và Generalist: Rốt cuộc bạn là ai?
Dù chọn trở thành Specialist hay Generalist, hãy luôn ghi nhớ cập nhật và bổ sung kiến thức luôn là nển tảng để phát triển. Một specialist luôn có thể trở thành phát triển đa mảng để trở thành generalist, hoặc ngược lại. Nếu bạn luôn là người thích được học hỏi kiến thức từ nhiều lĩnh vực, việc bị gò bó phải nghiên cứu sâu một đề tài nào đó khiến bạn không thể sáng tạo. Hãy chọn trở thành Generalist. Nếu bạn thấy được mình có tiềm năng phát triển trong một lĩnh vực và ham thích khai phá chúng, cộng với khả năng tập trung chuyên sâu không ngừng nghỉ, hãy trở thành Specialist.
JobHopin Team