Thật vô lý khi không thể làm điều mình thích, nhưng có một sự thật: Cách để hủy hoại một con người nhanh chóng nhất đó là để họ làm theo những gì họ “thích”.
Tôi chỉ có thể làm việc khi cảm thấy yêu thích
Với các nhà tuyển dụng, chắc hẳn đã hơn một lần bạn phỏng vấn ứng viên có lý do nghỉ việc là: “Em phải tìm được một công việc mà em yêu thích”,… Đó là câu trả lời của phần lớn các ứng viên trẻ tuổi.
Một cô gái ứng tuyển làm vị trí Phóng viên với kinh nghiệm làm Marketing, Content, bán hàng part time,… với một khí thế hừng hực. Tuy nhiên, còn chưa hết thời gian thử việc, cô ấy đã xin nghỉ. Cô ấy cho rằng mình đã chuẩn bị rất nhiều kiến thức và tinh thần để lăn xả vào con đường báo chí, nhưng đến khi thực sự va chạm mới thấy mọi thứ không hề đơn giản. Ngày cuối cùng làm việc, cô ấy nói với một đồng nghiệp khác: “Mình không thể làm công việc mà mình cảm thấy không yêu thích”. Ấy vậy mà trước đó, cô ấy đã nói rất nhiều về giấc mơ thuở bé, về đam mê cô ấy dành cho báo chí như thế nào.
Rất nhiều ứng viên cũng rơi vào trường hợp như cô gái trên, dành “cả thanh xuân” để đi tìm công việc mình “thích”. Nhưng một sự thật là, nếu bạn không có năng lực và lòng nhẫn nại, thì sự thích trong suy nghĩ của bạn chỉ là cái cớ của những kẻ yếu đuối.
Một lời “tôi không thích” trở thành tấm lá chắn mỹ miều cho sự bất lực, không hành động, không kiên trì. Vì thế người ta thường nói, người mạnh nói kiên trì, kẻ yếu nói yêu thích.
Từ những việc nhỏ nhất như tập thể dục mỗi ngày, ăn kiêng hay những việc lớn hơn ví dụ như kiếm tiền nuôi sống gia đình, không phải cứ nói không thích là được. Tất cả còn có sự nhẫn nại, kiên trì, sự chuyên nghiệp và niềm tin.
Đừng để yêu thích trở thành “đứng núi này trông núi nọ”
Hai người bạn cùng hợp tác một dự án quán ăn, một người bỏ ra kinh phí, một người có tài nấu nướng. Thật hoàn hảo! Vậy mà quán chỉ mới kinh doanh được 4 tháng, nguồn vốn không còn nhiều nhưng người bạn đầu bếp lại muốn đi du lịch 1 tháng. Bỏ lại dự án dang dở của cả hai chỉ vì một câu nói: “Tôi không thể từ bỏ việc tôi yêu thích chỉ vì công việc”.
Yêu thích không thể trở thành niềm tin, đừng để yêu thích trở thành vỏ bọc của sự không kiên trì, thiếu trách nhiệm.
Bất cứ công việc nào trên đời đều có khó khăn, khi những phiền chán ập đến, người chuyên nghiệp thường chọn trách nhiệm, kẻ ấu trĩ lại đổ lỗi cho niềm yêu thích. Nếu bạn để mọi thứ dang dở theo cảm xúc yêu ghét của bạn thân, khác gì bạn chỉ đi đến chân núi và nhìn ngắm cảnh vật, xung quanh? Khi đó những điều bạn thấy chỉ là những ngọn núi khác che khuất tầm nhìn. Hãy thử một lần kiên trì và trách nhiệm, đứng ở đỉnh núi thong dong nhìn lại thành quả của mình, cảm giác ấy sẽ là thành tựu cả đời bạn mãi không quên.
“Để tâm hồn được yên tĩnh, hãy làm 2 việc bạn cảm thấy không thích mỗi ngày” – William Somerset Maugham nói
Không thích cũng phải làm – Đó là suy nghĩ của những người trưởng thành và trách nhiệm.
Đừng vì chán ghét nhất thời mà bỏ lỡ ước mơ
Làm điều mình yêu thích chưa bao giờ là chuyện xấu. Khi bạn làm điều mình thích, trạng thái “dòng chảy” ập đến, bạn say mê và đắm chìm vào công việc đến quên thời gian. Hormone Adrenaline sẽ được tiết ra, loại hoocmon này hiệu quả hơn gấp nhiều lần tác dụng của cốc cà phê đen, khiến tinh thần bạn tỉnh táo, sáng tạo và hứng khởi.
Những người làm việc bằng đam mê, làm việc theo “hứng” không thể phủ nhận là họ rất tài năng và sáng tạo. Tuy nhiên, một cầu thủ ghi bàn trong 1 trận đấu quan trọng khác với một cầu thủ liên tục ghi bàn trong tất cả các trận đấu quan trọng suốt 10 năm. Đằng sau đam mê chính là tinh thần trách nhiệm cao độ và khả năng đương đầu thử thách được tôi luyện mỗi ngày.
Đừng lang thang từ bối cảnh này sang bối cảnh khác để tìm niềm vui, niềm yêu thích trong công việc, hãy chủ động tạo ra niềm vui tại chính nơi bạn hoạt động, cống hiến. Thích chưa bao giờ là xấu. Nhưng hãy luôn nhớ rằng, đã yêu thích, đã lựa chọn, thì phải có trách nhiệm và kiên trì.
Cách huỷ hoại một đứa trẻ nhanh nhất là để chúng làm những gì chúng thích – Ngạn ngữ Hy Lạp. Bạn có đồng ý với quan điểm này không?
Xem thêm:
- Thất nghiệp tuổi 35 và “giấc ngủ quên” năm 25 tuổi
- Trở nên hạnh phúc hơn trong công việc, tại sao không?
Báo chí nói gì về JobHopin?
- Startup ứng dụng công nghệ AI cho tuyển dụng JobHopin gọi vốn thành công 2,45 triệu USD Series A
- Startup tuyển dụng bằng trí tuệ nhân tạo của Việt Nam chốt thành công vốn đầu tư 3 triệu USD
- Startup tuyển dụng JobHopin gọi vốn thành công 2,45 triệu USD Series A
JobHopin Team