Bất cứ ai chọn xem bài viết này chắc hẳn đều đang gặp phải tình trạng quá tải trong công việc và muốn tìm cho mình một cách làm việc thông minh. Có phải bạn từng mang trong mình niềm tin “làm càng nhiều thì lương càng cao”? Thế nhưng, bỗng một ngày nhận ra xung quanh có rất doanh nhân rất thành đạt dù họ chỉ xuất hiện tại công ty 3-4 lần trong tháng.
Những mối bận tâm sai lầm khiến công việc trở nên kém hiệu quả
Từ lâu, quan niệm sai lầm “kiếm càng nhiều tiền càng hạnh phúc” đã ăn sâu trong tiềm thức nhiều người trẻ, khiến họ vô tình đặt nhiều trọng trách cho chính bản thân mình. Bỏ sức trẻ và quần quật cả ngày nơi công sở mà bỏ quên những mối quan hệ xung quanh, bỏ rơi cả sức khỏe của bản thân. Hơn hết, dù dành nhiều thời gian cho công việc nhưng không tìm ra cách làm việc thông minh là vấn đề mà nhiều người trẻ gặp phải.
Một nghiên cứu bởi John Pencavel từ Đại học Stanford mới đây đã công bố số liệu như sau: Năng suất làm việc của nhân viên sẽ giảm xuống khi làm quá 40 tiếng một tuần, giảm cực kỳ mạnh khi làm quá 55 giờ. Tuy nhiên trên thực tế, vẫn có rất nhiều người dành hẳn 70 giờ để làm việc một tuần nhưng không thật sự tạo thêm bất cứ hiệu suất lao động nào.
Xem thêm: Vì đâu những “chú ong chăm chỉ” nhưng mãi không thể thăng tiến?
Ngoài những quan niệm sai lầm trong việc “kiếm càng nhiều tiền càng hạnh phúc”, hầu hết người trẻ còn mắc phải một cái eo khác đó chính là “deadline”. Chúng ta sợ chúng tới nổi dồn hết tâm trí vào việc hoàn thành càng sớm càng tốt. Số lượng không phải lúc nào cũng đi đôi cùng chất lượng. Bạn hoàn thành xong sớm nhiều nhiệm vụ được giao trong ngày, nhưng dành quá ít thời gian chăm chút cho chất lượng của chúng sẽ dẫn đến việc phải sửa đi sửa lại nhiều lần. Việc này vừa tốn công vừa tốn thời gian của không những bạn, mà còn của cấp trên hay đồng nghiệp.
Tìm cho mình cách làm việc thông minh và hiệu quả hơn
Vậy làm sao để đảm bảo cán cân công việc và thời gian luôn được cân bằng? Dĩ nhiên là phải tìm ra nhiều cách để hoàn thành công việc được giao một cách thông minh và quy củ hơn. Chúng ta mất quá nhiều thời gian cho công việc hầu hết vì chúng ta chưa thật sự quy củ với bản thân mình, đặc biệt là trong việc giữ sức khỏe. Vậy sau tất cả, bạn là người năng suất hay chỉ đang bận rộn trong công việc?
Tôi có một cô bạn thường xuyên than với tôi thế này: “Một ngày chỉ có 24 tiếng thật sự không đủ để làm gì cả”. Dù là người rất siêng năng và hoàn thành công việc rất tốt, nhưng bạn tôi luôn trong tình trạng bực dọc vì thiếu ngủ. Đúng là ngày của bạn sẽ có nhiều thời gian cho công việc hơn nếu bạn dành ít thời gian cho việc ngủ. Vấn đề ở đây giống như tôi đề cập ở trên, làm nhiều nhưng chưa chắc hiệu quả công việc đã cao. Đặc biệt việc thiếu ngủ còn góp phần khiến chất lượng công việc giảm. Khoa học đã chứng minh rằng một người chỉ có đủ năng lượng để xử lý các công việc phức tạp khi họ ngủ đủ giấc mà thôi.
Gạt bỏ tất cả những nhân tố cản trở sự tập trung sẽ tiết kiếm rất nhiều thời gian của bạn. Nhân tố đầu tiên chính là những việc không thật sự quan trọng. Chúng ta ưa làm những công việc này vì chúng dễ và khiến bản thân ta tự mãn rằng ít ra cũng đã hoàn thành việc gì đó trong ngày. Nhân tố thứ hai phải kể đến những việc gây sao nhãng, như liên tục kiểm tra thông báo trên điện thoại hay xem TV mà quên mất công việc. Hãy ngừng “phòng thủ” vì nó chỉ khiến ta quen dần với thói tự mãn và làm lãng phí thời gian. Thay vào đó hãy lên chiến thuật cho kế hoạch và dự định lâu dài hơn trong tương lai.
Tạo cho bản thân một chiến thuật lâu dài và bền vững
Muốn hoàn thành bất cứ mục tiêu nào dù dễ hay khó cũng cần đến chiến thuật. Vì sao ư? Trong quá trình hiện thực hóa các mục tiêu của cuộc đời, ta hầu như có rất ít quyền kiểm soát vì mọi thứ không lúc nào cũng diễn ra như những gì ta mong đợi. Nên thay vì cố gắng kiểm soát những thứ ta biết chắc là không thể, hãy tập kiểm soát những thứ nằm trong lòng bàn tay và tìm ra cho mình một cách làm việc thông minh.
Nói dễ hiểu hơn, hãy hệ thống hóa những công việc bồi đắp cho những dự định tương lai của bạn, từ những nỗ lực be bé đến những nhiệm vụ quan trọng. Khi dần quen với hệ thống do chính mình tạo ra, áp lực và sự nản lòng cũng dần biến mất. Giảm 10 cân trong một tháng là mục tiêu, điều chỉnh chế độ ăn phù hợp hơn xuyên suốt cả tháng chính là hệ thống. Đi làm và kiếm thật nhiều tiền là mục tiêu, nhưng học cách quản lý thời gian để tránh làm việc kiệt sức là cả một hệ thống.
Luôn công nhận sự cố gắng của bản thân dù đó là nỗ lực nhỏ nhất. Phần lớn những luồng cảm xúc tiêu cực và áp lực xuất phát từ chính bạn. Để tìm ra cách làm việc thông minh và hiệu quả, trước khi tự tạo ra áp lực cho mình hãy nhớ rằng việc bạn thức dậy thật sớm mỗi ngày đã là nỗ lực rất đáng tự hào rồi!
JobHopin Team