Dốc sức thiết kế một chiếc slide tuyệt cú mèo, kịch bản đã thuộc làu làu, đồ lên cũng chuyên nghiệp ra phết. Tất cả chỉ để chuẩn bị cho phiên pitching quan trọng sắp tới. Vậy mà trong lòng vẫn thấp thỏm vì luyện hoài mà đồng nghiệp vẫn bảo giọng nói này vẫn chưa đủ truyền cảm khi thuyết trình!?
Cũng đúng thôi, tông giọng là một trong những yếu tố cấu thành một buổi thuyết trình thành công. Giọng to rõ và nhấn nhá đúng chỗ khiến người nghe không tài nào rời mắt khỏi phần nói của bạn. Ở môi trường học thuật, thuyết trình tốt là lợi thế giúp bạn “ăn chắc” các môn học phải phát biểu trước đám đông. Còn khi đi làm, kỹ năng này là bước đầu cho những dự án “tỷ đô” đấy.
“The whole purpose is to enable people to learn. Your mission is not to transmit information but to transform learners.”
Đâu là bí quyết giúp những diễn giả, người phát ngôn hay đôi khi chỉ là nhân viên của các công ty lớn nói trước đám đông thật thu hút? Nghía qua một vài mẹo cải thiện tông giọng, thuyết trình tự tin hơn nhé!
Xem thêm:
- Nghệ thuật thuyết trình – Trình bày ý tưởng, chinh phục người nghe
- Học được gì từ SkillHop: Thuyết trình chuyên nghiệp như diễn giả?
- Kiểm soát tốc độ nói
Một trong những lo lắng thường gặp ở người thuyết trình là nói lố giờ. Quá nhiều dữ liệu cần truyền tải nhưng thời gian thì có hạn. Làm thế nào để thuyết phục khách hàng nếu họ chỉ cho bạn 5-10 phút để trình bày ý tưởng?
Nhiều người sẽ chọn nói càng nhanh càng tốt, liệu có phải giải pháp? Nói nhanh tuy truyền tài được nhiều dữ liệu trong khoảng thời gian ngắn, nhưng lại không truyền được cảm xúc và dễ khiến người nghe cảm thấy lời nói của bạn thiếu thuyết phục. Chúng ta thường nói nhanh khi cố gắng che đậy chuyện gì đó, hoặc thiếu tự tin nên nói thật lẹ để qua chuyện.
Tốc độ lý tưởng khi trình bày 120 đến 160 từ một phút, nhưng tốt nhất bạn hãy căn chỉnh tốc độ nói sao cho phù hợp với bài nói. Nói chậm rãi và nhấn nhá những điểm quan trọng. Đồng thời, học cách lược bớt các tiểu tiết trong slide để tiết kiệm thời gian.
Ngữ điệu làm nên tất cả
Ngữ điệu là cách nhấn nhá, ngắt câu sao cho phù hợp với tình cảm và thông điệp muốn truyền đạt. Độ cao thấp của từ ngữ khi bạn phát âm nên êm ái và kèm thêm vài nhấn âm đúng chỗ. Người nghe hoàn toàn có thể hiểu được tâm trạng của bạn lúc nói chỉ thông qua âm sắc. Ví dụ, nếu bạn có cảm giác lo âu trong lúc trình bày, giọng nói của bạn sẽ hơi run nhẹ hoặc ậm ừ nhiều lần.
Để bài thuyết trình được mượt mà hơn, tập nói trước nhiều lần để hạn chế các từ “ừm..ờ”. Ngoài ra, giải pháp để hạn chế bị run khi đứng trước đám đông là không nhìn vào mắt của người nghe. Thay vào đó, bạn có thể nhìn vào giữa trán của họ để giảm áp lực. Nếu đứng trên hội trường lớn, hướng mắt về những người đồng đội của mình cũng là một biện pháp tốt để yên tâm hoặc tự tin hơn.
Ngắt nghỉ và nhấn mạnh đúng lúc
Bên cạnh ngữ điệu, cách bạn ngắt nghỉ câu khi nói cũng giúp khán giả hiểu nội dung nào đang được nhân mạnh. Nếu cứ sử dụng âm lượng đều đều, không nhấn nhá khi nói thì người nghe vừa cảm giác buồn ngủ, vừa không biết đâu là điểm quan trọng trong bài nói của ban.
Đừng kỳ vọng người nghe sẽ tập trung 100% bài thuyết trình của bạn dù nó tốt hay tệ. Thay vào đó hãy tìm cách kéo họ lại khi trình bày những luận điểm hoặc thông tin quan trọng. Bạn có thể ngắt câu khi cảm thấy bài nói đang hơi lạc đề. Đặt câu hỏi hoặc tăng âm lượng khi muốn thu hút sự chú ý của người nghe.
Tóm lại, thuyết trình hay không chỉ phụ thuộc vào phần trình bày đẹp mắt hay thông tin thú vị. Mấu chốt quan trọng nhất của một bài diễn thuyết tốt vẫn là thuyết phục người nghe bằng giọng nói và sự tự tin. Kỹ năng thuyết trình là thứ có thể phát triển theo thời gian, miễn là bạn thật sự muốn cải thiện.
JobHopin Team