Động lực thúc đẩy chúng ta hoàn tất hàng tá công việc và đạt mục tiêu mỗi ngày, nhưng đôi khi chúng lại biến mất vào thứ Hai và khi ta cần nhất. Động lực là cần thiết và phải có trong quá trình làm việc nếu bạn muốn phát triển và chinh phục đích đến của mình. Tuy nhiên, chúng ta lại không dễ dàng có được quyền kiểm soát chúng. Các nhà tâm lý học tin rằng nền tảng của hành vi con người chính là “cây gậy và củ cà rốt” – mọi quyết định và hành vi đều bắt nguồn từ nhận thức của tâm trí về niềm vui và nỗi đau. Phần lớn chúng ta đều biết suy nghĩ tích cực (niềm vui) sẽ tạo ra những động lực tích cực. Và cũng tương tự như vậy với nền tảng nỗi đau sẽ hình thành động lực tiêu cực. Tiêu cực và tích cực, hãy chọn cho mình một loại động lực phù hợp để hoàn thành mục tiêu hiệu quả nơi công sở.
Bài viết liên quan:
- CGO JobHopin: “Không có động lực nào lớn hơn chính mình”
- Thời đại “mắc kẹt” trong nghịch lý năng suất làm việc
Phân biệt động lực tiêu cực và tích cực
Động lực tích cực xuất hiện như một cơ chế nhằm hiện thực hóa những cảm xúc vui sướng và hạnh phúc của bạn khi đạt được điều gì đó. Hệ thống phân cấp nhu cầu của Maslow đã giúp chúng ta giải thích quá trình này. Bạn sẽ được thúc đẩy hành động hơn khi một trong những kết quả của hành động đó tác động đến nhu cầu trực tiếp của bạn (nhu cầu thể hiện bản thân, lòng tự trọng, yêu thương, an toàn và thể chất)
Một số người phản ứng rất tốt với các kích thích tích cực. Suy nghĩ về những niềm vui (độc lập tài chính hoặc được công nhận trong lĩnh vực chuyên môn) có thể thúc đẩy họ đạt được những mục tiêu không tưởng trên chặng đường của mình.
Đó có thể là một khoản tiền thưởng từ lãnh đạo hoặc nụ cười trên khuôn mặt của một người nghèo. Bất kể đó là giấc mơ về sở hữu vật chất hữu hình hay niềm đam mê, nhiệt huyết để đạt được những cảm xúc thiêng liêng khác đều được xem là những động lực tích cực.
Trong khi đó, động lực tiêu cực lại dựa trên sự trừng phạt và sợ hãi về hậu quả. Đó không còn là sự luyện tập chăm chỉ được thúc đẩy bởi cảm giác tự hào sau khi được khán giả yêu thích mà lại xuất phát từ nỗi sợ bị chỉ trích. Nếu chỉ sử dụng một cụm từ để mô tả loại loại động lực này, chỉ có thể là Do or Die”.
Đối với một số người, động lực tiêu cực còn mang lại hiệu quả cao hơn trong những hành động được thúc giục. Bởi một phần trong số chúng ta vẫn bị chi phối bởi nỗi sợ hãi và lo lắng họ có xu hướng hành động nhanh hơn trong những tình huống như vậy.
Chẳng hạn như, bạn có một động lực mạnh mẽ để bỏ thuốc lá vì từng chứng kiến một người nào đó chống chọi với căn bệnh ung thư phổi.
Tiêu cực và tích cực là hai loại động lực được xây dựng dựa trên hai nền tảng hoàn toàn trái ngược nhau. Tận dụng sự khác biệt đó, chúng ta dường như có thể áp dụng tùy loại động lực phù hợp với môi trường và hoàn cảnh khác nhau. Dùng phần thưởng để thúc đẩy bạn đi lên hay hình phạt để bạn không bước lùi.
Lựa chọn động lực hiệu quả chốn công sở
Tiêu cực và tích cực – bạn chọn động lực nào để thúc đẩy “một người làm công ăn lương”?
Với một số nhiệm vụ nhất định nơi công sở, bạn có thể kiểm soát động lực thông qua các yếu tố tích cực như tiền thưởng hay sự công nhận của lãnh đạo và đồng nghiệp, thậm chí, phần thưởng của bạn cũng có thể là được làm những điều mới.
Cách tạo ra động lực tích cực
Bạn có thể tạo ra động lực tích cực bằng cách nhắc nhở bản thân về lợi ích của một nhiệm vụ hoặc thiết lập phần thưởng cho bản thân ngay khi hoàn thành một việc gì đó. Nó tương đương với việc sắp đặt củ cà rốt hoặc suy nghĩ về củ cà rốt khi bạn bắt đầu những gì bạn cần làm. Bạn muốn chinh phục những ngọn núi cao hơn? Hãy chia nhỏ các mục tiêu thực tế của thành các mục tiêu ngắn hạn. Và đừng quên đặt phần thưởng khi bạn đạt được những mốc nhỏ đó.
Bên cạnh đó, cảm giác hoàn thành cung cấp cho bạn động lực để khao khát và hy vọng cho những bước tiếp theo.
Đôi khi, động lực tích cực còn giúp bạn trở thành phiên bản tốt hơn trong cuộc sống mà không chỉ riêng gì trong công việc. Ví dụ, hình dung một phiên bản gầy hơn, đẹp hơn của bản thân có thể thúc đẩy bạn thức dậy và tập thể dục vào buổi sáng. Đồng thời, bạn có thể tự thưởng cho mình một chai rượu nếu bạn đạt được chỉ tiêu hàng tuần trong công việc. Cả hai phương pháp này đều tích cực và thực sự có thể giúp bạn đạt được các mục tiêu bạn đặt ra.
Trong một vài trường hợp, khi bạn nhận thấy phần thưởng không đủ sức hấp dẫn để thu hút tư tưởng và biến thành hành động, hãy thử đến phương pháp của động lực tiêu cực.
Cách tạo ra động lực tiêu cực
Bạn có thể tạo ra các động cơ tiêu cực bằng cách nhắc nhở về hậu quả của việc không làm điều gì đó. Trì trệ deadlines sẽ dẫn đến tiến độ công việc bị kéo chậm lại, thời gian thực hiện không còn nhiều, vậy liệu bạn có thể đạt được KPI vào cuối quý?
Hơn nữa, bạn cũng có thể áp dụng loại động lực này bằng cách thiết lập các hình phạt cho việc không hoàn thành một số nhiệm vụ. Phải làm việc vào cuối tuần hoặc nhận những lời chỉ trích từ những người xung quanh khi không hoàn tất nhiệm vụ của mình đều là những ví dụ về động cơ tiêu cực thúc đẩy hành động.
Tiêu cực và tích cực: động lực nào phù hợp với bạn?
Khi kỳ vọng về phần thưởng cho sự thành công là động lực của bạn, đó là động lực tích cực. Khi nỗi sợ bị trừng phạt vì thất bại là lực đẩy, bạn phấn đấu vì động cơ tiêu cực. Tiêu cực và tích cực, động lực nào phù hợp với bạn đều cần phải phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm, tính cách của mỗi người, thậm chí còn tùy thuộc vào vấn đề của bạn.
Đối với một số người, lối sống sang trọng là động lực để làm việc chăm chỉ (động lực tích cực). Và có một nhóm cá nhân khác làm việc chăm chỉ vì họ lo sợ nếu họ không làm như vậy, họ có thể không đủ tiền mua bánh ngày hôm nay (động lực tiêu cực).
Giả sử sếp của bạn đồng ý thăng chức cho bạn nếu bạn có thể kiếm được nhiều tiền trong dự án sắp tới, đó là một động lực tích cực dựa trên phần thưởng. Và giả sử anh ta nói rằng anh ta sẽ sa thải bạn nếu bạn thất bại trong dự án sắp tới, đó là động cơ tiêu cực dựa trên hình phạt.
Tuy nhiên, trở nên quá tích cực đôi khi cũng khiến bạn quên mất thực tại, và lạm dụng điều tiêu cực sẽ khiến chùn bước và ngại thử thách. Do đó, tiêu cực và tích cực, đều là các loại động lực mà bạn cần phải lựa chọn hoặc phối hợp đúng đắn trên hành trình phấn đấu đạt mục tiêu của bản thân.
JobHopin