Khi đã có đủ kinh nghiệm làm việc ở nhiều công ty khác nhau, bạn dần nhận thấy rằng chuyện nhân sự đến và đi diễn ra như cơm bữa và duy trì một tình bạn chốn công sở không đơn giản. Hôm trước vừa chào đón đồng nghiệp mới, có thể hôm sau đã phải nói lời chia tay với cô bạn gắn bó với mình từ những ngày đầu tiên ở chỗ làm.
Kịch bản chung mà ta thường thấy sẽ diễn ra thế này: Ai đó thông báo vài ngày nữa sẽ là last day – ngày đi làm cuối cùng của họ. Mọi người tranh thủ động viên, nhắn nhủ đầy mủi lòng. Người đi chúc người ở chóng thăng tiến. Ngược lại, người ở lại mong cho người đi tìm được môi trường làm việc lý hằng mơ ước.
“Có gì đâu mà buồn!? Rảnh chị em mình lại hẹn nhau ra cà phê nha!”. Rồi sau đó? Hầu hết sẽ không có sau đó nữa. Ngẫm thấy những lần nghỉ việc, sự thật là bạn và đồng nghiệp cũ chẳng mấy khi liên lạc và dần tình bạn chốn công sở cũng nhạt phai. Lý do nằm ở đâu?
Chúng ta đi làm rất khác ở nhà
Đôi khi động lực duy nhất để một tình bạn chốn công sở bắt đầu chỉ đơn giản vì đó là một phần của công việc. Bạn biết đó, một khi đi làm, bạn sẽ khó mà chỉ quanh quẩn trong phòng ban của mình. Công việc sẽ liên tục đòi hỏi ở bạn khả năng giao tiếp và làm quen với những đồng nghiệp từ phòng ban khác. Chính những người này góp phần vào sự thành công của nhiệm vụ mà bạn được giao. Trái lại, đồng nghiệp của bạn cũng thừa biết việc giúp đỡ này sẽ khiến công việc trong tương lai của họ suôn sẻ hơn. Tóm lại là, có qua có lại là một phần bạn phải chấp nhận khi bước ra đời, không riêng gì khi đi làm công sở.
Chưa hết, chuyện giúp đỡ lần nhau khi đi làm còn đến từ áp lực ở nhiều phía. Ở một vài công ty trước đây tôi làm, khoảng thời gian thử việc là lúc lý tưởng nhất để thể hiện sự tương đồng giữa bạn và văn hóa doanh nghiệp. Sự tương đồng ấy phản ánh rõ nhất qua cách bạn tương tác và giúp đỡ đồng nghiệp. Sau mỗi đợt thử việc, đồng nghiệp trở thành một phần quyết định liệu bạn có phù hợp với công ty đó hay không. Do đó, muốn vượt qua giai đoạn thử việc ở công ty nào đó, nhiều người sẽ chọn thể hiện một “nhân cách” khác của bản thân. Tuy nhiên, “nhân cách khác” ở đây không nói đến nghĩa tiêu cực. Nó đơn giản chỉ là sự thích nghi cho phù hợp với môi trường và hoàn cảnh nhất định mà thôi.
Xem thêm: Những kiểu đồng nghiệp “đi đâu cũng gặp”
Xa mặt, cách lòng, trật nhịp
Tình bạn chốn công sở vốn dĩ được xây dựng trên nển tảng công việc. Một khi nền tảng đó không còn là điểm chung, hay nói cách khác là bạn hoặc đồng nghiệp chuyển công ty, thì nó cũng nguội dần. Cuộc sống vẫn tiếp diễn dẫu ta muốn hay không. Miễn là trong khoảng thời gian làm việc, một trong hai vẫn giúp đỡ nhau hết mình đã là quá tuyệt vời rồi. hành trình này dù tạm gác lại ở đây, nhưng trong tương lai có thể bạn vẫn sẽ gặp lại họ trong một vai trò khác. Do đó, hãy đối xử với nhau thật tử tế và công bằng để khi gặp lại vẫn có thể nở nụ cười không bị sượng trân nhé!
Đôi khi, chúng ta nói để thể hiện sự đồng cảm.
Hôm chia tay sướt mướt bao nhiêu, thì những ngày sau đó lạnh lùng bấy nhiêu. Chớ vội cho rằng đồng nghiệp cũ tuyệt tình. Thực chất, ai rơi vào hoàn cảnh trên thì phản ứng tốt nhất mà họ có thể làm chính là nói gì đó bày tỏ sự đồng cảm với người còn lại.
Xem thêm: Fun-tích: Xung đột công sở – Cách nhận biết và hóa giải môi trường “toxic”?
Tóm lại, chúng ta không nên phức tạp hóa những mối quan hệ
Cũng giống như tình yêu hay tình bạn bên ngoài môi trường công sở, cách hành xử đúng đắn nhất là để chúng diễn ra thật tự nhiên. Những ai muốn tiếp tục làm bạn, sẽ tìm cách. Bài viết này không vì mục đích làm bạn giảm đi niềm tin về tình bạn chốn công sở. Nó đơn giản chỉ là giải thích cho việc tại sao những mối quan hệ đồng nghiệp thường dừng lại sau khi bạn rời đi.
Sở hữu tình bạn chốn công sở chính là may mắn vì bạn có thêm động lực để đi làm mỗi ngày bên cạnh lương bổng hay cơ hội thắng tiến. Theo Gallup, ⅔ nữ giới cho biết tình bạn chốn công sở giúp họ làm việc hiệu quả hơn. Đồng thời, những cặp hay hội nhóm bạn thân có xu hướng gắn kết bền lâu ở công ty hơn.
JobHopin Team