Work from home đã tạo ra một nỗi lo về niềm tin giữa những nhà lãnh đạo và nhân viên của mình. Liệu nhân viên của mình có đang làm việc? Liệu hiệu quả công việc có bị ảnh hưởng? Hay liệu sếp có tin tưởng mình? Chế độ work from home được xem là một trong những giải pháp “bất khả kháng” của các doanh nghiệp dưới tác động của hậu quả khó lường từ dịch bệnh. Đứng trước một kế hoạch không được tính toán kỹ lưỡng ngay từ đầu, các doanh nghiệp và người lao động đều có những mối lo ngại trong hiệu quả của quy trình làm việc.
Chưa bao giờ người ta lại chú trọng vào những kỹ năng quản lý thời gian và sắp xếp công việc như vậy. Từ góc nhìn chi tiết hơn, với văn hóa công sở tại Việt Nam, khi chúng ta chưa hoàn toàn tận dụng các công nghệ hay đặt trọng tâm vào những kỹ năng mềm của nhân viên khi xử lý công việc. Bên cạnh đó, tâm thế bị động khi phải làm việc tại nhà, từ xa hay luân phiên đến văn phòng… đã khiến nhiều doanh nghiệp đặt dấu chấm hỏi về hiệu quả công việc cũng như liệu nhân viên của họ sẽ “lạm dụng” chính sách? Work from home chính là thay đổi cách thức làm việc để thích nghi với tình huống thực tế của cộng đồng. Linh hoạt trong thời gian, địa điểm làm việc, tuy nhiên vẫn phải duy trì năng suất và hiệu quả của công việc.
Work from home không những là một giải pháp “cứu cánh tạm thời” cho tình hình doanh nghiệp trong thời điểm đại dịch, mà đây còn được đánh giá như một xu hướng trong thị trường lao động trong thời gian sau này.
Một dự án được Chính phủ Scotland ủy quyền, tiến hành bởi doanh nghiệp xã hội Scotland Flexibility Works vào giai đoạn cuối năm 2020, đã phân tích và nghiên cứu về cách thức các doanh nghiệp áp dụng work from home trong giai đoạn dịch bệnh. Một phần của nghiên cứu thực hiện khảo sát một nhóm người lao động với các vị trí “bình thường” trong các doanh nghiệp “bình thường” và chưa từng “trải nghiệm” hình thức WFH trước đây. Thông qua khảo sát, tác giả đã chỉ ra hai yếu tố quyết định phần lớn hiệu quả công việc khi thực hiện chính sách này: (1) Sự tin tưởng và (2) Ý thức chung (Common Sense).
Mọi thứ đều bắt đầu bằng niềm tin
Với câu hỏi khảo sát được đặt ra cho nhóm đối tượng khảo sát, “Bạn nghĩ như thế nào là làm việc linh hoạt”, phần lớn họ đều hiểu rõ về khái niệm cũng như những lợi ích khi thực hiện work from home. Bên cạnh đó, những nỗi lo ngại của nhóm đối tượng này chính là liệu chủ doanh nghiệp có thực sự hiểu và biết rõ khối lượng công việc của họ và tin tưởng ý thức trách nhiệm của nhân viên khi không xuất hiện trên văn phòng thường xuyên như trước.
Mọi người đều hiểu rõ, “niềm tin” có lẽ là một trong những điều xa xỉ nhất trong cuộc sống này, tuy nhiên, trong bất kỳ mối quan hệ nào, chúng ta đều cần niềm tin để duy trì và phát triển. Doanh nghiệp – người lao động hay lãnh đạo – nhân viên đều cần có sự tin tưởng lẫn nhau trong quá trình cùng thực hiện công việc. Một khi niềm tin được gieo mầm, ắt sẽ có thành quả. Bởi khi chúng ta tin tưởng lẫn nhau, chính là tin ở khả năng và cho đối phương cơ hội thể hiện khả năng của mình.
Trong quá trình áp dụng work from home, từ những người dẫn dắt đội ngũ đến các thành viên đều cần phải duy trì niềm tin cho chính mình, niềm tin vào dự án, vào nhiệm vụ hiện tại, niềm tin vào người dẫn dắt, vào đồng nghiệp, chính bản thân mình, và hiệu quả công việc.
Do hạn chế trong việc trao đổi một cách trực tiếp, giao tiếp thông qua màn hình đôi lúc cũng tạo ra một số cản trở, Vì vậy, chìa khóa trong việc tạo niềm tin khi bạn đang trong chế độ work from home chính là giao tiếp. Bạn cần phải duy trì liên lạc với sếp của mình, theo dõi và cập nhật tình hình các công việc bạn đang chịu trách nhiệm, bên cạnh đó, cần phải thể hiện ý thức đối với công việc trong các cuộc họp online. Bằng cách xác nhận hiểu rõ yêu cầu công việc, hay cập nhật ý tưởng và cách thức bạn triển khai, bạn có gặp khó khăn nào hay không, lãnh đạo cũng như đồng nghiệp sẽ hiểu rõ công việc bạn đang làm và đặc biệt sẽ tin tưởng bạn.
Cân bằng và Kiểm soát
Nhóm người được khảo sát đều đồng ý với lợi ích từ chính sách work from home là “sự cân bằng” giữa công việc và cuộc sống cá nhân, dù là người đã lập gia đình hay chưa. Một nhân viên văn phòng trẻ chia sẻ: “Trước đây, tôi làm việc năm ngày một tuần trong văn phòng, bây giờ tôi làm việc ở nhà vào thứ Tư. Tôi hoàn toàn trân trọng một ngày ở nhà vì điều đó giúp ích tiết kiệm chi phí đi lại và tạo ra một chút cân bằng giữa công việc và cuộc sống.”
Chúng ta có thể thấy được, với chính sách work from home, người lao động có nhiều hơn thời gian để cân bằng cuộc sống và công việc của bản thân. Việc này cũng giúp họ giảm bớt gánh nặng áp lực khi cán cân công việc – gia đình bị lệch sang một bên như trước đây. Tâm trạng và một số mối lo ngại của nhân viên được giảm thiểu, ắt hẳn sẽ mang lại hiệu quả cao hơn trong công việc. Đối với cuộc sống hiện nay, khả năng của bạn sẽ được đánh giá bằng chính chất lượng bạn mang lại thay vì số lượng nhiệm vụ bạn “lướt qua” mỗi ngày.
Từ góc độ khác, với những phúc lợi từ chính sách này, nhân viên cũng hiểu được rằng họ cần duy trì những ý thức chung trong công việc nhằm đảm bảo chất lượng và hiệu suất công việc mà họ đang thực hiện. Ý thức trách nhiệm phần không thể thiếu trong chìa khóa thành công của bất kỳ doanh nghiệp này – với bất kỳ hình thức làm việc nào.
Lợi ích từ hai phía
Bên cạnh những mối lo của doanh nghiệp về hiệu suất làm việc, dường như họ cũng nhận được một số lợi ích từ chính sách work from home này. Đối với các doanh nghiệp, những lợi ích họ nhận được chính là khả năng giữ chân nhân viên với chính sách tuyệt vời này, giảm vắng mặt và tiết kiệm diện tích văn phòng.
Nhóm đối tượng khảo sát nói thêm rằng để thực hiện work from home một cách hiệu quả, cần phải có sự tin tưởng giữa người quản lý và người lao động và trong đội ngũ, sự công bằng và trách nhiệm hai chiều. Mặt khác, một số bà mẹ thừa nhận rằng họ đã thành công trong sự nghiệp khi lựa chọn chế độ work from home.
Hầu hết những người được khảo sát đều mong muốn được tiếp tục duy trì chế độ work from home ngay cả khi đại dịch kết thúc. Và hiển nhiên, họ đều hiểu được rằng với chính sách làm việc linh hoạt này, nhà quản lý và nhân viên đều phải phụ thuộc phần lớn vào ý thức chung của mọi người (common sense) cũng như niềm tin giữa doanh nghiệp đối và người lao động.
JobHopin Team